(MPI) – Ngày 09/11/2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại học UNU-WIDER và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015.
|
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu (giữa), Giám đốc UNU-WIDER Finn Tarp (phải) và Viện trưởng ILSSA Đào Quang Vinh (trái) đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Đây là lần thứ 6 điều tra về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được thực hiện đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thuộc cả khu vực chính thức và phi chính thức ở Việt Nam. Cuộc điều tra được tiến hành bao gồm hoạt động phỏng vấn trực tiếp được thực hiện đối với trên 2.600 DNNVV ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại 10 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Báo cáo cung cấp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cái nhìn tổng quan về một số kết quả chính từ cuộc điều tra năm 2015, trong đó có so sánh với kết quả của vòng điều tra năm 2013 và các vòng điều tra trước đó.
Theo Báo cáo, DNNVV và khu vực tư nhân tiếp tục là động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực DNNVV đã đạt mức tăng trưởng theo cấp số nhân trong hơn một thập kỷ qua (2003-2013). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 có 49.203 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập mới, gấp 2 lần so với số lượng đăng ký mới trong năm 2003 với 25.653 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng này lại đang diễn ra trong điều kiện môi trường hạn chế nên dẫn đến việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Trong khi một số DNNVV gặp phải những khó khăn về tín dụng và tài chính thì một số doanh nghiệp khác lại gặp những thách thức từ sự thiếu linh hoạt của môi trường pháp lý. Hiểu được môi trường mà DNNVV đang hoạt động cũng như những trở ngại họ đang đối mặt và cơ hội mà họ đang có là rất quan trọng để đưa ra các chính sách có lợi cho sự tăng trưởng ổn định.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Kết quả điều tra DNNVV năm 2015 cho thấy một số cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. So với kết quả điều tra năm 2013, quá trình chính thức hóa của các cơ sở kinh doanh đã có bước tăng đáng kể, khoảng 96% số doanh nghiệp chưa đăng ký chính thức trong điều tra năm 2013 đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế trong điều tra năm 2015. Kết quả cũng chỉ ra rằng, các hộ kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức không đóng góp nhiều cho sự thay đổi đối với môi trường kinh doanh chung và vấn đề tạo việc làm trong một môi trường kinh doanh năng động sẽ đến từ các DNNVV được chính thức hóa trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ nên tiếp tục và tăng cường các chính sách nhằm khuyến khích quá trình chính thức hóa các cơ sở kinh doanh.
So với kết quả điều tra năm 2013, số DNNVV có chi ngoài trong năm 2015 đã giảm, tuy nhiên, có 30% các doanh nghiệp không có chi ngoài năm 2013 lại thực hiện hành vi này trong điều tra năm 2015. Lợi ích của chi ngoài là không rõ ràng vì các doanh nghiệp có chi ngoài không cho thấy tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện hành vi này.
Tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đã tăng lên so với điều tra năm 2013, đặc biệt trong các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ. Kết quả khẳng định rằng sự khác nhau và hạn chế về tiếp cận tín dụng tiếp tục tạo ra những khó khăn đối với tăng trưởng và duy trì đầu tư của khu vực DNNVV. Chính phủ cần có chính sách tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các DNNVV và nỗ lực hơn nữa nhằm hình thành các chương trình, dự án phù hợp cung cấp tín dụng cho các DNNVV trên phạm vi cả nước.
Nhìn chung, các DNNVV mang đặc trưng chuyên môn hóa, chỉ khoảng 11% số doanh nghiệp sản xuất từ hai loại sản phẩm trở lên. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có tỷ lệ đa dạng hóa cao hơn mức trung bình và tỷ lệ này cũng tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Bên cạnh sự tăng lên nhanh chóng của tỷ lệ phát triển sản phẩm mới trong điều tra năm 2015 còn có sự giảm sút của tỷ lệ đổi mới, cải tiến sản phẩm hiện có. Chính phủ cần khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp các yếu tố về rủi ro và tăng cường, khuyến khích các hoạt động liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kết quả điều tra cho thấy, năng suất lao động dưới hai thước đo là doanh thu trên một lao động và giá trị gia tăng trên một lao động đều tăng lên. Đặc biệt, sự tăng lên về doanh thu trên một lao động diễn ra ở các doanh nghiệp quy mô lớn hơn, trong khi đó các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nhóm có tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động cao nhất theo tiêu chí giá trị gia tăng trên một lao động. Đây là minh chứng rõ ràng về quan điểm chính sách kinh tế vĩ mô nhạy bén mà Việt Nam đã thực hiện nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lương thực tế đã tăng khoảng 15% trong thời gian qua và tăng mạnh hơn trong nhóm lao động quản lý. Kết quả điều tra cho thấy tín hiệu tích cực của đào tạo và tái khẳng định mối tương quan thuận chiều và quan trọng giữa quy mô doanh nghiệp và mức lương. Chính phủ cần tiếp tục đóng vai trò năng động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và tăng cường phối hợp với khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Tỷ lệ doanh nghiệp có xuất khẩu thấp cho thấy các DNNVV Việt Nam không năng động ở thị trường nước ngoài và ít quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2015 là dưới 7% nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu có sự gia tăng. Tỷ lệ lớn các DNNVV không có Chứng nhận chất lượng hoặc môi trường và xu hướng này đang gia tăng. Chính phủ cần chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, cả trực tiếp và gián tiếp với vai trò là nhà cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp lớn có xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn và việc kiểm soát chất lượng nhằm tăng khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp ra thị trường thế giới.
Gần 90% các doanh nghiệp cho rằng họ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực hoạt động của mình. Áp lực cạnh tranh tăng lên theo chiều tăng của quy mô doanh nghiệp và mức độ cạnh tranh đã tăng lên trong hai năm qua. Gia tăng áp lực cạnh tranh là một đặc tính không thể thiếu của nền kinh tế chuyển đổi. Do vậy, rất cần xây dựng khung chính sách pháp lý để tháo gỡ những phát sinh tiêu cực từ thị trường như vấn đề thông đồng, độc quyền hóa và bất cân bằng để đạt được những lợi ích phù hợp thông qua những phát minh, sáng kiến công nghệ.
Nhìn chung, Báo cáo đã chỉ ra tầm quan trọng của việc tiếp tục đề ra các biện pháp chính sách không chỉ nhằm nâng cao năng suất, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế mà còn giúp duy trì mô hình tăng trưởng theo chiều sâu./.
File đính kèm: SME-2015-report.pdf
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư