Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2016-13:54:00 PM
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020
(MPI) – Ngày 06/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Kinh tế
Trung ương chủ trì Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ quan Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia Hội nghị tại các đầu cầu trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, số lượng DNNN đã giảm rất nhanh trong 15 năm qua nhưng số vốn hóa thị trường chỉ có 8%, còn 92% vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội nghị tập trung thảo luận, tìm ra nguyên nhân thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn thấp, đưa ra các giải pháp để thoái vốn và cổ phần hóa DNNN thành công trong thời gian ngắn. Theo đó, xác định doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn; Các chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011-2015 còn phù hợp không; Đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN; Các vấn đề về nhân sự, sở hữu đất, sắp xếp, đổi mới, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa…

Tại Hội nghị, Báo cáo tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 cho thấy, sau 15 năm sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 có 1.369 DNNN và đến tháng 10/2016 còn 718 DNNN, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao. Hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên; Chính sách đối với DNNN đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ, trong đó chính sách quản lý, giám sát DNNN ngày càng chặt chẽ hơn; Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện; Công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN có nhiều kết quả, nhiều quy định được ban hành nhằm công khai, minh bạch hơn quá trình cổ phần hóa DNNN.

Tại Hội nghị, đại biểu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh, cũng như quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đồng thời đưa ra những ý kiến góp ý và đề xuất kiến nghị Chính phủ trong việc ban hành các chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến sắp xếp, đổi mới DNNN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội nghị, về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN (thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định tại Tờ trình số 796/TTr-BKHĐT ngày 23/12/2015 và Công văn số 5068/BKHĐT-PTDN ngày 30/6/2016. Dự thảo Quyết định gồm 4 điều, quy định về đối tượng, phạm vi áp dụng, tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành; Phụ lục I về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước được kết cấu thành 3 mục (Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; Những doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% trở lên; Những doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần) và Phụ lục II về Danh mục DNNN sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả, chuyên trách, chuyên nghiệp quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, tách biệt chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của Nhà nước trong nền kinh tế; Cải cách, cải thiện quản trị DNNN và quản trị tài sản nhà nước theo thông lệ kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; Đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp theo quy luật thị trường, sử dụng tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao về dài hạn và cần có vai trò của Nhà nước. Cơ quan này chỉ thực hiện các quyền hạn quy định tại 3 Luật: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được điều chuyển trực thuộc cơ quan sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính. Cách quản lý của cơ quan này được áp dụng theo tiêu chuẩn nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quản trị DNNN, bảo đảm tính công khai minh bạch có sự giám sát của cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2017. Hiện tại số lượng DNNN đã giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa còn rất thấp, chưa thay đổi cơ cấu của doanh nghiệp để quản trị tốt hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao kết quả đạt được, những bài học, kinh nghiệm sau 15 năm cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN và những doanh nghiệp hoạt động rất tốt sau khi cổ phần hóa như VNPT, Vinamilk, Vinatex… Do vậy, cần thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa DNNN theo đúng lộ trình để thay đổi quản trị doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ, góp phần phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hơn 5 triệu tỷ đồng đang nằm trong các DNNN, trong khi tỷ lệ nợ công còn cao, Nhà nước đang cần huy động vốn đầu tư xã hội vào xây dựng hạ tầng. Nguyên nhân khách quan là do những vướng mắc về thể chế, chính sách nhưng tồn tại cả những nguyên nhân chủ quan như lợi ích cục bộ, thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, công tác kiểm tra giám sát, đánh giá DNNN chưa hiệu quả, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ nêu lên 3 yêu cầu lớn đối với tái cơ cấu DNNN, bao gồm: Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN; Khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh và hiệu quả hoạt động cao hơn, vốn nhà nước phát huy tác dụng tốt hơn; Tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, có 3 nhóm nhiệm vụ cần được triển khai: Thứ nhất, chuẩn bị cho cổ phần hóa, phải xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào rút ra, phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa; Giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng lộ trình đã đề ra.

Thứ hai, trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phải đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán đúng giá thị trường tại thời điểm bán; Hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn; Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn; Ban hành quy định về bán toàn bộ DNNN, quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí lợi thế thương mại cao; Tăng cường kiểm tra thanh tra, kiểm toán để không thất thoát vốn DNNN; Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực.

Thứ ba, cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, là căn cứ để DNNN hoạt động và hạch toán, không đan xen nhiệm vụ chính sách và kinh doanh. Sau khi cổ phần hóa, cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả, gắn chính sách nhân sự với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ…

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, nhất là các nghị định, quyết định, các quy trình, thủ tục, chế độ đối với người lao động để tháo gỡ rào cản, đẩy mạnh cổ phần hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN hoàn thiện gấp để trình Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, ký ban hành. Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của DNNN cho phù hợp với các luật mới được ban hành (Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) và yêu cầu thực tiễn đề ra. Các cơ quan, cá nhân được giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và các DNNN phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu. Chính phủ sẽ nỗ lực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và niềm tin tốt hơn, tạo điều kiện cho việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đạt hiệu quả cao nhất./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3202
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)