Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2016-09:51:00 AM
Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015
(MPI) – Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 06/12/2016 tại Hà Nội, các đại biểu đã được nghe ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trình bày Báo cáo tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Báo cáo cho thấy những kết quả đạt được trong quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015. Sau 15 năm sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 có 1.369 DNNN và đến tháng 10/2016 còn 718 DNNN. Về cơ bản, DNNN tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài nhà nước 11,8%, FDI 17,9%). DNNN là lực lượng quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN tăng từ 810 nghìn tỷ đồng lên 1.234 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng từ 2.274 nghìn tỷ đồng lên 3.105 nghìn tỷ đồng. Phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi, một số DNNN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, nộp ngân sách cao. Các DNNN cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Theo tổng hợp kết quả hoạt động của 350 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập người lao động tăng 33%... so với trước khi cổ phần hóa. DNNN cổ phần hóa có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, hiện có khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần chuyển đổi từ DNNN. Thông qua cổ phần hóa, Nhà nước có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp có điều kiện để huy động các nguồn lực đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chính sách đối với DNNN đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ, trong đó chính sách quản lý, giám sát DNNN ngày càng chặt chẽ hơn. Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, trong đó 21 văn bản về đổi mới tổ chức, quản lý đối với DNNN; 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 14 điều lệ tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Các Bộ đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách nêu trên. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện.

Công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN có nhiều kết quả. Giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, trong đó cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp, bán 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp. Nhiều quy định được ban hành làm cho cổ phần hóa DNNN được công khai, minh bạch hơn. Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thoái vốn nhà nước, tháo gỡ khó khăn khi thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, một số chính sách có tính đột phá đã được ban hành nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước. Kết quả là, cả nước đã thoái được 26.222 tỷ đồng (giá trị sổ sách), thu về 36.537 tỷ đồng. Tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt, việc xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN cũng được chú ý…

Tuy nhiên, Báo cáo cũng đưa ra những tồn tại, hạn chế như quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tiến triển chậm, tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa còn thấp, hạn chế đáng kể kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, năng lực quản trị điều hành còn yếu kém, vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật, lãng phí, thất thoát nguồn lực… Một số chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN và sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. Việc sắp xếp, đổi mới DNNN ở nhiều Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa đạt kế hoạch đã được phê duyệt. Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đầy đủ và hiệu quả.

Báo cáo xác định nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Ban hành, bổ sung, sửa đổi đầy đủ, đồng bộ, phù hợp thực tiễn chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả và ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đánh giá thực chất và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020; Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3784
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)