Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2016-15:03:00 PM
Hàng hóa nhập khẩu áp dụng Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% vào năm 2018

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Trong thời gian qua, để thực hiện cam kết trong ACFTA, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Ngày 01/9/2016, thực hiện Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2016-2018. Trước tình hình nhiều ý kiến cho rằng, khả năng hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng nông sản kém chất lượng, hàng giả mạo hàng Việt Nam và các nước khác sẽ tràn vào Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ đã có những biện pháp để ngăn chặn những vấn đề này xảy ra.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề thuế nhập khẩu xuống 0% và vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Việc thuế nhập khẩu xuống 0% hay cao hơn không phải là nguyên nhân phát sinh vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả.

“Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng, phải tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế. Chúng ta không thể đơn phương ngăn chặn, cấm nhập khẩu hoặc có các biện pháp mang tính phân biệt đối xử đối với hàng hóa của một quốc gia nếu hàng hóa đó không vi phạm luật pháp Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Trong nhiều năm qua, không phải đợi đến khi thực thi các cam kết giảm thuế trong khuôn khổ ACFTA, Chính phủ luôn coi trọng công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (trong đó có hàng nông sản) với nhiều giải pháp cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, rõ ràng cho công tác này; Kiện toàn bộ máy của Ban Chỉ đạo 389, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu (hải quan, biên phòng, kiểm dịch, …) và các cơ quan chức năng quản lý nội địa (quản lý thị trường, công an…); Quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định đối với hàng kém chất lượng, hàng giả; Tăng cường chống buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu.

Hoàn thiện hơn nữa hệ thống hàng rào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống các đơn vị có chức năng kiểm định, giám định chất lượng hàng hoá. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng liên quan của các nước láng giềng nhằm quản lý tốt các hoạt động thương mại biên giới; Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình “Tự hào hàng Việt” nhằm tuyên truyền ý thức sử dụng hàng Việt, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được ký ngày 29/11/2004 tại Lào, có hiệu lực từ ngày 19/10/2005. Lộ trình tự do hóa cuối cùng của ACFTA vào năm 2020 với tỉ lệ tự do hóa của Việt Nam dành cho Trung Quốc và các nước ASEAN vào khoảng 86%, trong khi tỉ lệ này của Trung Quốc là khoảng 95%. Tỉ lệ tự do hóa của Việt Nam trong ACFTA ở mức trung bình so với cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do khác và đáp ứng tiêu chí của WTO đối với một hiệp định thương mại tự do.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3958
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)