(MPI) - Theo Báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, tăng trưởng đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao.
Báo cáo chỉ ra rằng, môi trường kinh tế toàn cầu vẫn nhiều bất ổn. Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 đang theo hướng yếu đi so với dự kiến, chủ yếu phản ánh đà tăng trưởng bị suy giảm ở các nền kinh tế lớn và phát triển cũng như các thị trường mới nổi xuất khẩu thương phẩm thô. Do nhu cầu nhập khẩu ở các nền kinh tế phát triển giảm đà, thương mại toàn cầu vẫn chưa khởi sắc với khối lượng thương mại suy giảm trong quý I và chững lại trong quý II năm 2016. Trong điều kiện viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu vẫn còn bất ổn, các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn đạt kết quả tương đối tốt.
Trong điều kiện khó khăn trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định với sự hỗ trợ bởi sức cầu mạnh trong nước và khu vực sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng giảm trong ba quý đầu năm 2016, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt hạn hán nghiêm trọng, sản lượng lương thực, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại. Tuy nhiên, các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, sức cầu trong nước ổn định và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu nhìn chung ổn định. Ngoài ra, những thành quả kinh tế của Việt Nam phần nào có được là nhờ vào mức tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa, thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn.
Theo Báo cáo, lạm phát sau khi xuống thấp kỷ lục vào năm 2015 lại tăng dần lên trong những tháng cuối năm nay sau những lần tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế và giáo dục, tuy nhiên lạm phát cơ bản vẫn được kiềm chế và chỉ số giá tiêu dùng dự kiến vẫn thấp hơn mục tiêu 5% của Chính phủ. Về kinh tế đối ngoại, thặng dư tài khoản vãng lai đang được cải thiện chủ yếu do tăng trưởng nhập khẩu đã chậm lại. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được thu hút mạnh và do mức độ tiếp cận còn thấp của Việt Nam các luồng vốn đầu tư gián tiếp, hạn chế được tác động của những biến động tài chính toàn cầu gần đây. Nhờ tình hình kinh tế đối ngoại tiếp tục được cải thiện, tỷ giá danh nghĩa được giữ ở mức khá ổn định kể từ đầu năm cho dù đồng Việt Nam đã có nhiều biến động trong tháng 11 do đô la Mỹ đang mạnh lên ở mức kỷ lục. Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng được nâng lên.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn. Tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến xoay quanh 6% nhờ sức cầu mạnh trong nước và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017-2018 nhờ sản xuất nông nghiệp được phục hồi và triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện. Lạm phát đã gia tăng trong những tháng gần đây sau một loạt các quyết định tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý nhưng ước tính vẫn nằm trong mục tiêu dưới 5% của Chính phủ. Kỳ vọng lạm phát ước tính sẽ tăng ở mức vừa phải trong năm tới do giá hàng hóa và nhiên liệu dần hồi phục. Cán cân đối ngoại tiếp tục được củng cố do cải thiện cán cân thương mại. Bội chi ngân sách dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6% GDP trong năm nay nhưng sẽ được điều chỉnh trong trung hạn theo các cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, vẫn còn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế trong trung hạn. Nhìn từ trong nước, những cải cách tài khóa và chuyển đổi cơ cấu nếu bị triển khai chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Nhìn từ bên ngoài, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy trần và viễn cảnh về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư. Trong khi đó, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khởi sắc và viễn cảnh tăng lãi suất do dự báo về thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng làm dấy lên một số quan ngại, khi Việt Nam đang có dự kiến tiếp cận thị trường quốc tế để đáp ứng một số nhu cầu huy động vốn cho ngân sách./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư