Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2016-09:52:00 AM
Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại phát biểu tại VBF 2016. Ảnh: Đức Trung (MPI)
(MPI) - Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh VBF tổ chức ngày 05/12/2016 tại Hà Nội, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại Fred Burke đã chia sẻ một số vấn đề về chủ đề tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, Việt Nam đã thực hiện tốt việc tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường sự hội nhập cho các nhà cung ứng và cung cấp dịch vụ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề mới, mang tính kỹ thuật làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế trong nước và triển vọng cho các DNVVN trong nỗ lực tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài.

Theo nghiên cứu của Nhóm, các vấn đề mà các nhà đầu tư, kinh doanh, bao gồm cả DNVVN trong nước phải đối mặt như: Các quy định về thương mại tạo ra trở ngại cho chuỗi cung ứng, khiến cho các DNVVN gặp nhiều khó khăn hơn trong xuất khẩu, thuận lợi hóa thương mại và tiếp cận thị trường cần được thực hiện ở mọi cấp độ để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể hợp tác sâu hơn; Các yêu cầu về giấy phép mới, bổ sung đang được soạn thảo tạo nên gánh nặng về giấy tờ cho các doanh nghiệp; Nhiều DNVVN không nắm rõ quy định về thuế hay các ưu đãi được hưởng, đặc biệt là tuân thủ pháp luật về các giao dịch kinh doanh xuất nhập khẩu; Các quy định hải quan đang ngày càng minh bạch hơn nhưng để các DNVVN có thể hiểu và tuân thủ vẫn là một thách thức; Việc thay đổi pháp luật gần đây không còn cho phép các dự án phát triển bất động sản dân cư sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài có thể gây hại đến sự phát triển lành mạnh của thị trường nhà ở; Các sửa đổi đề xuất đối với Luật cạnh tranh là cơ hội để khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kéo dài gần thập kỷ, nếu được tham khảo ý kiến một cách thích đáng, phù hợp với các bên liên quan; Các quy định mới được đề xuất về quản lý văn phòng đại diện có thể làm suy yếu vai trò quan trọng của các tổ chức trong việc kết nối các nhà cung ứng trong nước với thị trường toàn cầu; Các ngành công nghiệp như ngành ô tô để phát triển các DNVVN là nhà cung cấp các phụ tùng và dịch vụ, nhưng các nhà cung cấp tiềm năng này bị cản trở theo nhiều cách; An ninh mạng là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng để các DNVVN phát triển ổn định, nhưng các quy định mới sẽ gây khó khăn cho Việt Nam và hạn chế sự tham gia của Việt Nam vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu đang bùng nổ mạnh mẽ.

Tại Diễn đàn, Nhóm đã đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam, như: Thuận lợi hóa thương mại, cấp phép các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài trong ngành dịch vụ, đề xuất tạo ra môi trường thuế ổn định và thu hút đối với các doanh nghiệp, xác định việc hưởng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có các dự án đầu tư tại Việt Nam, hỗ trợ thương nhân tuân thủ các quy định về hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp xác định trị giá hải quan trong kiểm tra sau thông quan…

Theo ông Fred Burke, Việt Nam có cơ hội trở thành thành viên chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm và người dân sẽ có đời sống tốt hơn nhưng chỉ khi có môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi. Trong thời gian tới, Nhóm hy vọng, Việt Nam quyết tâm cải cách thủ tục hành chính đồng thời các Bộ, ngành liên quan sẽ góp phần triển khai thực hiện chính sách mang tính chiến lược quan trọng này./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2041
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)