Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/12/2016-09:04:00 AM
Hợp tác phát triển Việt Nam – Thụy Sỹ
(MPI) – Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Thụy Sỹ cho Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 thông qua hai cơ quan phát triển là SDC (Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ) và SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ) với các công cụ và chương trình bổ trợ nhau. SECO dự kiến cam kết 90 triệu phờ-răng Thụy Sỹ viện trợ không hoàn lại trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Liên bang Thụy Sỹ Marie-Gabrielle Ineichen Fleisch
phát biểu tại buổi Lễ công bố Chiến lược hợp tác phát triển Thụy Sỹ dành cho Việt Nam
ngày 11/10/2016. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Việt Nam là câu chuyện thành công của phát triển. Kể từ khi đổi mới năm 1986, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 100 USD lên trên 2.200 USD trong vòng 30 năm. Tỷ lệ người nghèo giảm từ hơn 50% vào đầu những năm 1990 xuống 3% vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất của nền kinh tế Việt Nam đang giảm, dựa nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhân công rẻ và nguyên vật liệu nhập từ các quốc gia láng giềng. Vì thế, Việt Nam đang đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”, các tồn tại chính bao gồm khu vực tư nhân với năng lực cạnh tranh yếu và thiếu khả năng sáng tạo, đầu tư công kém hiệu quả, tỷ lệ tham nhũng cao, doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về đất đai và vốn. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, do vậy phải tăng cường các biện pháp ứng phó để đảm bảo sinh kế và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường và khai thác không bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng rõ rệt hơn.

Trên cơ sở đó, cùng với những kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của SECO và tham vấn với các cơ quan hữu quan, SECO đưa ra Chiến lược Hợp tác phát triển tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững để cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam. SECO kết hợp nhiều phương thức hợp tác khác nhau như tài trợ ngân sách, chương trình và dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, phát triển thể chế và nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân cũng như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng. SECO thực hiện các dự án song phương hoặc đồng tài trợ thông qua các tổ chức đa phương và các ngân hàng phát triển.

Thụy Sỹ đã hỗ trợ xây dựng các chính sách kinh tế và định chế thị trường có lợi cho tăng trưởng thông qua phát triển hệ thống quản lý tài chính công (PFM) minh bạch, uy tín và ngành tài chính đa dạng, cạnh tranh. Để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao kỷ luật tài chính, hiệu quả và hiệu suất phân bổ nguồn lực, Việt Nam lần đầu tiên sử dụng bộ công cụ Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình (PEFA) để đánh giá hệ thống quản lý tài chính công. Dựa trên kết quả đánh giá, SECO hỗ trợ toàn diện trong việc kết nối giữa lập kế hoạch và phân bổ ngân sách, kiểm soát hiệu quả thực hiện ngân sách, lưu giữ và cung cấp thông tin tài chính chất lượng và quản lý rủi ro ngân sách. SECO cũng mở rộng hỗ trợ đến các cấp địa phương phù hợp với quá trình phân cấp quản lý tài chính công.

SECO hỗ trợ triển khai các cải cách then chốt và nâng cao năng lực các định chế tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm phát triển hạ tầng tài chính, tăng cường năng lực ngành tài chính, thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam. Chương trình này đã giúp hơn 365.500 DNNVV và 994.000 khách hàng vi mô tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Thông qua IFC, SECO hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển kinh doanh bằng cách tiếp cận nguồn vốn trên 51 tỷ USD và thực hiện tầm soát đáp ứng các quy định về quản lý rủi ro xã hội và môi trường các khoản đầu tư của doanh nghiệp có giá trị lên đến 33 tỷ USD.

Thụy Sỹ hỗ trợ DNNVV Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế thông qua thúc đẩy môi trường kinh doanh hiệu quả, phát triển thương mại bền vững, sản xuất sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển kỹ năng cần thiết. Với sự hỗ trợ của SECO, Việt Nam đã thiết lập hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, giúp giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thụy Sỹ cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững thông qua tăng cường năng lực quy hoạch đô thị hợp nhất và hiệu quả các dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các thành phố, các phương pháp tiếp cận sáng tạo về giao thông đô thị, giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua đô thị tăng trưởng xanh, giải quyết những thách thức chính trong quản lý nước thải và chất thải./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2208
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)