Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2016-15:14:00 PM
Việt Nam có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư
(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2016 diễn ra ngày 08/12/2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư và kinh doanh.

Việt Nam đang thực hiện một loạt các chính sách và định hướng lớn, trong đó quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, hoàn thiện thể chế thị trường của nền kinh tế, ưu tiên tập trung vào thể chế thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản, thị trường lao động... Thực hiện những cải cách mạnh mẽ, đột phá đối với khu vực kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, trong đó đẩy nhanh tiến độ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn đối các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...

Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng, trong đó khuyến khích mạnh mẽ phát triển khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, là rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài vốn đầu tư nhà nước, thì đối tác công tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ Việt nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng trực tiếp tạo ra tri thức và sáng tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, Việt Nam sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu “dân số vàng” để bứt phá phát triển. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản trị, chuyên gia, lao động có tay nghề cao.

Thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; Nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Cung ứng nguyên vật liệu; Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam dự kiến sẽ sớm thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thiết lập khung pháp lý với các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng, ưu đãi về thuế, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất, hiệu quả và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quá trình phát triển của Việt Nam không tách rời với quá trình phát triển của ASEAN. Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các thành viên sẽ có rất nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Cùng với ASEAN, Việt Nam quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất để thực hiện các cam kết, chương trình, sáng kiến đề ra. Trong thời gian tới, để tận dụng các cơ hội, hợp tác Việt Nam – ASEAN cũng như hợp tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp ASEAN phải chủ động tìm hiểu, đổi mới phương thức và cách tiếp cận kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tối đa các cơ hội về thị trường, vốn, công nghệ mà AEC mang lại. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan cũng như phối hợp với các doanh nghiệp xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong AEC.

Cùng với đó là tăng cường sự hợp tác và phối hợp hành động với những cơ quan đồng cấp trong đảm bảo việc triển khai các cam kết được thỏa thuận trong khuôn khổ AEC cũng như các cơ chế hợp tác song phương khác nhằm tạo môi trường thương mại thuận lợi, giảm thiểu rào cản thương mại và rủi ro trong quá trình làm ăn với doanh nghiệp của các nước.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2016 không chỉ là dịp để đánh giá một năm nhiều biến động của bối cảnh thế giới ở cả góc độ chính trị và kinh tế, quan trọng hơn đây là cơ hội để những lãnh đạo và CEO trao đổi, chia sẻ những ý tưởng, cách tiếp cận và giải pháp mới trong hợp tác, đầu tư và kinh doanh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1315
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)