(MPI) - Theo Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ và Thông báo số 352/TB-VPCP ngày 04/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT).
Sau hơn 07 năm ban hành và đi vào thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, 03 năm thực hiện Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KCN, KCX, KKT đã được nâng cao thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP được ban hành, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển các KCN, KKT. Các Nghị định đã quy định khá đầy đủ về công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT trên nhiều lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động, thương mại, hải quan…Tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các Ban quản lý KCN, KKT trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT cũng được quy định tương đối rõ ràng.
Đồng thời, trên cơ sở quy định tại các Nghị định, các Bộ, ngành đã ban hành các Thông tư và văn bản hướng dẫn như: Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các KCN, KKT; Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ủy quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lao động trong KCN, KKT… Đây là bước cụ thể hóa, nâng cao hiệu lực pháp lý của các Nghị định.
Thứ hai, các Nghị định thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh cho Ban quản lý KCN, KKT; Chuẩn hóa và hoàn thiện mô hình quản lý KCN, KCX, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” thông qua vai trò đầu mối tại Ban quản lý KCN, KKT trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân cấp, ủy quyền.
Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP, trong đó công tác hướng dẫn, triển khai phân cấp, ủy quyền của Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh cho Ban quản lý KCN, KKT bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP trong thời gian qua đã xuất hiện các yêu cầu mới, cần được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KCN, KKT. Luật đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 đã thay đổi quy trình, thủ tục đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư trong KCN, KKT, dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN và cơ chế ưu đãi đầu tư theo địa bàn, lĩnh vực… Do đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP.
Đồng thời, mô hình KCN được triển khai 25 năm không còn mới. Hiện nay, thực tế một số mô hình mới đã được triển khai tại các địa phương như KCN đô thị dịch vụ, KCN hỗ trợ. Một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng mô hình KCN sinh thái. Đây là các mô hình mới sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các KCN qua việc đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đầu tư (KCN đô thị dịch vụ, KCN hỗ trợ), làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh qua sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên (KCN sinh thái). Để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển các mô hình mới này trong thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung các quy định này tại Nghị định thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, qua tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, theo phản ánh của các địa phương, vẫn còn phát sinh một số vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT trong quá trình áp dụng như sau: (i) Công tác ủy quyền, cơ chế phân công phối hợp chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất tại các địa phương, dẫn tới quyền hạn, nhiệm vụ của Ban quản lý KCN, KKT chưa được thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ theo quy định; (ii) Chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý về quản lý giá, xây dựng, lao động, môi trường chưa được quy định đầy đủ theo quy định pháp luật chuyên ngành; (iii) Việc thực hiện bổ sung quy hoạch, thành lập KCN cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật về đầu tư hiện hành.
Dự thảo Nghị định có kết cấu 05 Chương và 62 Điều, trong đó bổ sung một Chương để quy định về các mô hình KCN mới so Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, cụ thể bao gồm các Chương: (i) Chương I. Quy định chung; (ii) Chương II. Trình tự và thủ tục thành lập KCN, KKT; (iii) Chương III. Cơ chế chính sách đối với KCN, KCX và KKT; (iv) Chương IV. Các mô hình KCN mới; (v) Chương V. Quản lý nhà nước đối với KCN, KCX và KKT.
Dự thảo Nghị định hợp nhất hoặc sửa đổi một số thuật ngữ, nội dung mang tính kỹ thuật cho phù hợp với các văn bản pháp luật mới (Luật đầu tư, Luật xây dựng năm 2014 và pháp luật có liên quan) của 22 Điều đã được ban hành tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP. Nghị định quy định về căn cứ điều chỉnh, hồ sơ, trình tự thủ tục và nội dung thẩm định việc điều chỉnh giảm, đưa KCN ra khỏi quy hoạch, trong đó hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định quy định đơn giản hơn so với trường hợp bổ sung quy hoạch KCN; Bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quy hoạch, xây dựng thiết chế thể thao, văn hóa, công trình phúc lợi cho người lao động trong KCN, KKT; Quy định ưu đãi về hỗ trợ thủ tục hành chính, kỹ thuật đối với dự án đầu tư trong KCN, KKT;…
Việc ban hành Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý cho các mô hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, hoàn thiện mô hình KCN cũ và giải quyết các xung đột với văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT theo cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ”. Đồng thời, tạo điều kiện hoàn thiện chính sách nhằm phát triển KCN, KKT./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư