(MPI) – Ngày 09/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc VDF 2016. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, 2016 là một năm với nhiều biến động của bối cảnh quốc tế và trong nước. Hệ thống chính trị mới được kiện toàn với quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và trong trung hạn, dài hạn. Năm 2016 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô và hàng hóa cơ bản giảm mạnh đã tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và sự cố môi trường biển ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương cũng như cả nước. Nhiều giải pháp đã được ban hành và thực hiện quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn lớn trong Quý I, Quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu Quý III.
Theo đánh giá của Chính phủ, các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội trong năm 2016 tuy gặp khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả khá, phản ánh khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế. Dự kiến tăng trưởng GDP đạt 6,3-6,5% cả năm, khu vực nông lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng trở lại, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát… Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và ba đột phá chiến lược, quan tâm hơn nữa đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Tuy nhiên, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Bối cảnh thế giới và khu vực dự báo có nhiều biến động khó lường, trong khi đó giai đoạn tiếp theo phải là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu đưa các giải pháp thành hành động, đưa các mục tiêu, kế hoạch thành những kết quả trong thực tiễn.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đối tác phát triển sẽ đưa ra những ý kiến thảo luận, kiến nghị liên quan đến những vấn đề mà Chính phủ đang quan tâm, bao gồm: Đánh giá, nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, những yếu tố tác động, thách thức và đưa ra giải pháp triển khai định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; Tác động đa chiều của bối cảnh chính trị thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, các hiệp định thương mại song phương, đa phương; Kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng.
|
Toàn cảnh VDF 2016. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, các đại biểu cho rằng, các động lực tăng trưởng nhìn chung đã bị hạn chế, tốc độ tăng năng suất lao động chung của Việt Nam có xu hướng giảm trong 20 năm qua, năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất nhiều khi đo bằng sản lượng của mỗi công nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng thực nhanh gần gấp hai lần so với các doanh nghiệp trong nước.
Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Johnathan Dunn nhấn mạnh đến các nhân tố có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng và các gợi ý chính sách để tạo động lực mới cho phát triển bền vững. Cải cách vĩ mô để tăng trưởng cần tập trung vào các vấn đề như hiện đại hóa khung điều hành chính sách tiền tệ, với một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn cùng các công cụ dự phòng rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó, giải quyết nhanh nợ xấu sẽ giúp hệ thống tín dụng có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh. Về vấn đề quản lý tài khóa và nợ công bền vững phục vụ tăng trưởng, các đại biểu chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm của các nước trên thế giới về điều chỉnh chính sách tài khóa, huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội trong bối cảnh nợ công tăng cao, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách và cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam. Theo ông John Panzer, Giám đốc phụ trách Kinh tế vĩ mô và Quản lý tài chính khu vực Châu Á – Châu Âu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiên đoán trước và độ tin cậy của định hướng chính sách, thực hiện một cách kiên định, có chủ đích quá trình điều chỉnh tài khóa theo lộ trình phù hợp, đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài khóa và quản lý nợ tốt hơn với trọng tâm là phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước.
Diễn đàn cũng cho rằng trong những năm tới, Chính phủ sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu mà Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đặt ra, bao gồm thách thức về năng suất lao động, thách thức về môi trường trong tăng trưởng, thách thức về xóa nghèo và an sinh xã hội, cuối cùng là huy động nguồn tài chính cho chương trình nghị sự phát triển tham vọng trong năm tới. Theo đó, đại diện cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Việt Nam từng bước trở thành nước thu nhập trung bình cao, không chỉ cung cấp viện trợ mà sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết và mục tiêu đề ra, tăng cường khả năng quản lý tài chính, kiểm soát nợ công, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, ứng phó với biến đổi khí hậu…/.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư