Ảnh: Internet (MPI) – Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu và xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi sở hữu đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngày 22/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tại văn bản số 943/VPCP-ĐMDN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập để sắp xếp, đổi mới theo các hình thức: chuyển đổi thành doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, giải thể và các hình thức khác.
Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay rất lớn, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, hằng năm sử dụng nhiều ngân sách nhà nước, tình hình hoạt động còn nhiều khó khăn. Để nghiên cứu rà soát, đánh giá hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp một số nội dung cơ bản về tình hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên cơ sở các báo cáo của 92 Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Cụ thể, có 5.046 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, khối địa phương có 4.387 đơn vị sự nghiệp, khối Bộ ngành có khoảng 636 đơn vị sự nghiệp, khối tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước có 41 đơn vị.
Về kinh phí do ngân sách nhà nước cấp: Thành phố Hồ Chí Minh có 1.857 đơn vị, sử dụng 12.500 tỷ đồng ngân sách cấp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 534 đơn vị, 2.152 tỷ đồng; Bình Dương có 602 đơn vị, 2.551 tỷ đồng… Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên một số đơn vị có tính xã hội hóa cao. Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm, trong tổng số hơn 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện khảo sát, chỉ có khoảng 170 đơn vị đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và đề xuất chuyển đổi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.
Việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập có thể thực hiện được do các đơn vị này đã bước đầu thực hiện tự chủ, các đơn vị đủ điều kiện đã tiếp cận được nguyên tắc hạch toán kinh tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua các báo cáo, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện về tài chính và có đề xuất chuyển thành công ty là rất ít. Như vậy, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập là một vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ trong thực tiễn xây dựng văn bản, không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế. Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học cơ bản cần duy trì đơn vị sự nghiệp công lập, các lĩnh vực khác cần đẩy mạnh công tác sắp xếp, chuyển đổi.
Dự thảo Quyết định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi sở hữu đơn vị sự nghiệp công lập gồm 6 điều, nội dung các điều phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo nguyên tắc: Duy trì đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực trực tiếp phục vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các dịch vụ công thiết yếu, liên quan đến đời sống của người dân mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không có khả năng tham gia; Chuyển đổi thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện về đảm bảo tự chủ tài chính và có ngành nghề có khả năng xã hội hóa; Thực hiện bán đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa nhưng không đảm bảo điều kiện tự chủ về tài chính để tập trung nguồn lực ngân sách cho những lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu.
Dự thảo quy định 13 ngành, lĩnh vực cần thiết duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và các dịch vụ thiết yếu của người dân, như: quốc phòng – an ninh, xuất bản, sản xuất nội dung chương trình truyền hình, báo chí, hoạt động thư viện, lưu trữ, bảo tàng… Trên cơ sở kế thừa các tiêu chí quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và rà soát các báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 tiêu chí chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; Quy định 20 ngành, lĩnh vực bao gồm các hoạt động liên quan đến dịch vụ công ích (cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, sản xuất lưu giữ giống gốc vật nuôi, cây trồng, quản lý bảo trì đường thủy, đường bộ…), các hoạt động có khả năng xã hội hóa cao (nghiên cứu phát triển, quản lý bến tàu xe, hoạt động tư vấn, kiểm định, du lịch…); Phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có tổ chức, doanh nghiệp xã hội đề xuất tiếp nhận cung cấp dịch vụ.
Để hoàn thiện Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục xin ý kiến góp ý về một số nội dung trong dự thảo Quyết định như tiêu chí chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, quy định về bán đơn vị sự nghiệp công lập, tiêu chí tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập…/.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư