(MPI) - Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với hãng truyền thông Bloomberg tổ chức đã diễn ra ngày 08/12/2016, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo, CEO của các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty lớn, danh tiếng cùng các diễn giả có uy tín, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp hàng đầu của thế giới, khu vực ASEAN và Việt Nam.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời điểm đánh dấu một năm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, các quốc gia trong ASEAN đang nỗ lực nhằm hiện thực hóa các cam kết phát triển với không gian hợp tác, liên kết sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Thực hiện Tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa liên kết ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN vận hành theo luật lệ, thực sự hướng tới người dân, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích cho người dân, có quan hệ rộng mở với các đối tác, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở cả khu vực và toàn cầu.
ASEAN không chỉ là thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người mà còn là khu vực kinh tế có quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD đang phát triển mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN năng động, sáng tạo. Vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã nhận được sự tham gia, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả những tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, có dân số hơn 90 triệu người, với nền kinh tế năng động, có độ mở cao với tổng kim ngạch thương mại năm 2016 gấp 1,6 lần GDP, ước đạt 360 tỷ USD và có 22.000 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng vốn gần 300 tỷ USD. Bên cạnh việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã ký, tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ mở, tiêu chuẩn cao, mở ra không gian hợp tác và phát triển rộng lớn với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có các nước G7, 15/20 nước thuộc Nhóm G-20.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, biến đổi khí hậu,... Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới; Xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả. Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết, hợp tác không những giữa các quốc gia thành viên mà còn giữa các cộng đồng doanh nghiệp của khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sau hơn 20 năm chính thức tham gia hội nhập quốc tế, ASEAN là sân chơi đầu tiên và vẫn là quan trọng nhất của Việt Nam, nhất là khi sân chơi đó đã mở rộng không gian, trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong sân chơi này, tuy Việt Nam thuộc nhóm trung bình nhưng là quốc gia đang có triển vọng, có nhiều dư địa và cơ hội chín muồi cho đầu tư và kinh doanh, điều quan trọng hơn là có mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận các dự án đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược.
Để thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, Việt Nam đang thực hiện định hướng chiến lược là phải phát triển với tốc độ nhanh, bền vững và để Việt Nam trở thành vị trí số một trong danh sách lựa chọn điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển, là quốc gia có sự ổn định về an ninh, chính trị. Hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Nhiều tiến trình cải cách, đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ như tái cơ cấu nền kinh tế; Thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Có thể nói rằng, cơ hội và những nhân tố thuận lợi đã được định hình, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư, kinh doanh. Đồng thời mong muốn, khi đến với Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để cùng xác định những việc cần phải làm để hiện thực hóa những cơ hội trên. Hợp tác chính là yếu tố quan trọng mà Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thu hẹp được khoảng cách với các nước đi trước, Việt Nam xác định phải vượt qua những nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, biến đổi khí hậu và thách thức nội tại của hội nhập. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện một loạt các chính sách và định hướng lớn, trong đó quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đề nghị Bloomberg tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ, tư vấn cho cộng đồng các nhà đầu tư để đầu tư nhiều hơn vào ASEAN nói chung và vào Việt Nam nói riêng.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Bên cạnh việc thảo luận các giải pháp để phát triển cộng đồng ASEAN, trở thành một địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, Hội nghị được nghe các ý kiến, tư vấn cho Chính phủ Việt Nam nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như có những đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của cộng đồng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư