(MPI) – Ngày 06/12/2016 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển Nhật Bản (IDE-JETRO) tổ chức Tọa đàm “Toàn cầu hóa kinh tế và thực tiễn quản lý/quản trị nhân sự ở các nước đang phát triển – Trường hợp Việt Nam”. Tham dự Tọa đàm có ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hitoshi Sato, Trưởng nhóm nghiên cứu, IDE-JETRO cùng đại diện các đơn vị có liên quan.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tọa đàm nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn là một trong những định hướng chính sách chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, qua đó mở ra thêm cơ hội để doanh nghiệp trong nước hợp tác và tham gia cung ứng sản phẩm cho các đối tác nước ngoài, tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nắm bắt các cơ hội mới.
Tại Tọa đàm, ông Hitoshi Sato, Trưởng nhóm nghiên cứu, IDE-JETRO trình bày về quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp và thực tiễn quản lý: Tổng quan. Quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp đầu vào nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu. Ưu điểm của quốc tế hóa là tham gia vào các mạng lưới sản xuất quốc tế, đây là chiến lược phát triển quan trọng đối với các nước đang phát triển, dễ dàng tiếp cận các thị trường nước ngoài, lan tỏa công nghệ, tri thức cho các doanh nghiệp trong nước và có việc làm tốt. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đưa ra những nhân tố tác động tới quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp và cách thức để lao động trong nước có thể hưởng lợi từ quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp.
Theo đó, các nhân tố tác động tới quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp gồm: tự lựa chọn, bổ trợ năng động (phân tích và phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng) và các nhân tố khác. Quá trình quốc tế hóa đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động tham gia khi nhận thấy có cơ hội kinh doanh, nghiên cứu kỹ hơn nguồn lực tạo nên năng suất. Thực tiễn quản trị nguồn nhân lực là quản lý công việc (phân chia nhiệm vụ, xác định và chia sẻ mục tiêu, giám sát), tuyển dụng, đào tạo người lao động, môi trường làm việc. Thực tiễn quản trị nguồn lực được đánh giá là quan trọng vì liên quan đến lương, điều kiện làm việc, phát triển kỹ năng…
Trình bày về hội nhập kinh tế và thực tiễn quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam – Một số nghiên cứu tình huống, bà Trần Bình Minh, thành viên nhóm nghiên cứu CIEM cho biết, qua 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ một nước nghèo thành một nước có thu nhập trung bình thấp, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp thành một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ và từ nền kinh tế đóng sang nền kinh tế mở. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức đối với tăng trưởng bền vững như tác động lan tỏa của khu vực FDI còn hạn chế; Ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị toàn cầu; Chênh lệch thu nhập càng lớn và môi trường ô nhiễm, bị tàn phá…
Cũng tại Tọa đàm, đại diện nhóm nghiên cứu IDE-JETRO trình bày về sự khác nhau giữa các doanh nghiệp tham gia hội nhập và doanh nghiệp không tham gia hội nhập – Minh chứng từ khảo sát thực tiễn như tổng quan về khảo sát doanh nghiệp, đặc điểm chính của mẫu khảo sát và nhà cung cấp trong nước…/.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư