|
Một dây chuyền sản xuất bia tại Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
|
Đến dự hội thảo có đại diện của 20 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ.
Thị trường dịch vụ Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và nhà hàng, được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và đánh giá cao.
Có 4 trong số 6 tập đoàn và công ty kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ là các công ty Việt Nam đã tham dự và có bài thuyết trình tại hội thảo. Bốn công ty Việt Nam bao gồm Tập đoàn Vingroup, Golden Gate, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), Takahiro Food.
Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn và công ty Việt Nam đã lần lượt giới thiệu những thế mạnh kinh doanh, triển vọng hợp tác và môi trường đầu tư ở Việt Nam tới các đối tác tiềm năng Nhật Bản.
Các diễn giả đề cập đến những yếu tố thuận lợi và ưu điểm của doanh nghiệp mình từ khả năng hỗ trợ đối tác thâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam với hệ thống các trung tâm mua sắm và nhà hàng trải dài trên khắp cả nước cho đến kinh nghiệm kinh doanh đa ngành tại thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo lần này được phía JETRO đánh giá là những công ty có tiềm lực lớn trong lĩnh vực dịch vụ, phân phối và kinh doanh thực phẩm. Yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản là khi liên kết được với các tập đoàn và công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ, các công ty Nhật Bản sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khi thâm nhập thị trường này.
Nếu như các công ty Nhật ấn tượng trước chuỗi hệ thống bán lẻ rộng khắp và mặt bằng kinh doanh rộng lớn của Vingroup thì Golden Gate lại tự tin khẳng định về kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng và chuỗi các hiệu ăn trên cả nước như Kichikichi, SumoBBQ, Ba Con Cừu, Vuvuzela.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm hàng đầu, SATRA cũng giới thiệu thế mạnh ở nhiều ngành nghề khác như dịch vụ, phân phối xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển.
Mới ra đời năm 2013, Công ty Takahiro food lại thể hiện một định hướng kinh doanh rõ ràng trong lĩnh vực nhà hàng và món ăn Nhật.
Sau buổi thuyết trình, JETRO đã mở các tổ thảo luận để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam gặp gỡ và trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Các vị khách tham dự Hội thảo đều bày tỏ quan tâm và cố nán lại đến cuối buổi để có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các vị đại diện của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong các chính sách kinh tế mang tên Abenomics mà Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm và các món ăn truyền thống của Nhật Bản ra thế giới, coi đây là một trong những mũi nhọn của chiến lược tăng trưởng, góp phần phục hồi kinh tế Nhật Bản.
Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ của Nhật Bản dành mối quan tâm lớn nhờ những nét tương đồng về văn hoá, chủng tộc và thị hiếu tiêu dùng.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ của Nhật Bản cũng muốn nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam trong bối cảnh các đại gia dịch vụ hàng đầu trên thế giới đang ồ ạt đổ bộ vào thị trường này./.