Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/03/2017-15:28:00 PM
Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn là chính sách hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực với mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng.

APEC có 21 nền kinh tế thành viên cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại, đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững.

Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể. Đồng thời, thúc đẩy mở cửa và thuận lợi hóa thương mại, tăng cường hợp tác trao đổi kỹ thuật giữa các quốc gia. Việc tham gia APEC giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nền kinh tế lớn trong khu vực, qua đó có thêm các cơ hội về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp được trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Diễn đàn APEC đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Đây là nơi hội tụ của hầu hết các đối tác quan trọng của Việt Nam về hợp tác phát triển, thương mại, đầu tư cũng như trên nhiều lĩnh vực khác. Năm 2006, Việt Nam đã đảm nhận rất thành công vai trò nước chủ nhà của APEC, được các thành viên và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bốn ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Trong khuôn khổ APEC 2017 diễn ra các sự kiện: Hội nghị không chính thức của quan chức cao cấp (ISOM); Hội nghị quan chức cao cấp lần 1 (SOM1) và các cuộc họp liên quan; Hội nghị quan chức cao cấp lần 2 (SOM2) và các cuộc họp liên quan; Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và các cuộc họp liên quan; Hội nghị Bộ trưởng thương mại (MRT); Bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững và các cuộc họp liên quan; Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và các cuộc họp liên quan; Hội nghị quan chức cao cấp lần 3 (SOM3) và các cuộc họp liên quan; Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cuộc họp liên quan (SMEMM); Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế và các cuộc họp liên quan; Hội nghị Bộ trưởng tài chính và các cuộc họp liên quan (FMM)…

APEC 2017 có sự tham dự của 10 ngàn đại biểu với 200 sự kiện và 8 cuộc họp cấp Bộ trưởng trên diện rộng tại 10 tỉnh, thành (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Cần Thơ, Vinh, Hội An, Nha Trang, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng) góp phần nâng tầm ngoại giao Việt Nam. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được giới thiệu với đông đảo thế giới. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu một Việt Nam phát triển năng động, đầy tiềm năng tới các nhà lãnh đạo và các công ty, tập đoàn lớn.

Các sáng kiến của APEC 2017 đều tập trung vào các ưu tiên lớn của APEC, phù hợp với yêu cầu mới của tăng trưởng và liên kết. Trong đó, điều quan trọng nhất là tăng trưởng chất lượng với những sáng kiến đặc biệt coi trọng về tăng cường và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Việt Nam và những thành viên đang phát triển của APEC rất quan tâm đến giảm khoảng cách phát triển kết nối ở vùng sâu vùng xa, nông nghiệp, an toàn lương thực và an ninh nguồn nước. Do vậy, việc đưa ra các sáng kiến về tăng trưởng chất lượng, kết nối, tái cơ cấu kinh tế rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam là rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu mới của APEC hiện nay.

Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã chủ động đưa ra sáng kiến về “Chia sẻ thực hành tốt nhất về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với đô thị thông minh trong khu vực APEC”; Đối thoại APEC với Doanh nghiệp với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và APEC có được thông tin đầy đủ hơn về Diễn đàn, về những cơ hội mà các doanh nghiệp có thể có được, đóng góp vào tiến trình hợp tác của Diễn đàn.

Cùng với đó, APEC 2017 góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Với các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC 2017, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền.

Trong chuỗi các hoạt động của APEC 2017, từ ngày 18/02-03/3/2017, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan với sự tham dự của hơn 1.900 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế, khu vực, cũng như nhiều học giả, doanh nghiệp và báo chí. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017./.

Các sự kiện quan trọng của doanh nghiệp trong APEC 2017

1. Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 4 (ABAC 4)

Thời gian: Từ ngày 04 – 07/11/2017 tại Đà Nẵng

Thành phần tham dự: 250 - 300 đại biểu là các thành viên của ABAC là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu APEC.

2.CEO Summit

Thời gian: Từ ngày 08 - 10/11/2017 tại Đà Nẵng

Thành phần tham dự: 1000 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các Tập đoàn đa quốc gia, Công ty hàng đầu đến từ các nền kinh tế APEC

3. Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với thành viên ABAC

Thời gian: Tháng 11/2017 trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng

Thành phần tham dự: 21 Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 63 thành viên ABAC.

4. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam

Thời gian: Ngày 08/11/2017 tại Đà Nẵng

Thành phần tham dự: 63 Lãnh đạo tỉnh, thành phố và 800 đại biểu trong và ngoài nước

5. Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017

Thời gian: Ngày 13/9/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh

Thành phần tham dự: 500 đại biểu trong và ngoài nước.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1721
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)