Kinh tế vĩ mô ổn định tương đối vững chắc, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi khá ấn tượng; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm nay cơ bản thuận lợi tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm nay cơ bản thuận lợi, thời tiết nắng ấm, không có rét đậm, rét hại thuận lợi cho việc gieo trồng lúa và cây rau mầu vụ chiêm, không xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nên đàn gia súc, gia cầm được duy trì, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; năng suất, sản lượng hầu hết cây rau vụ đông tăng so với năm 2016. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp nên nhiều hộ khi xuất chuồng đã không tái đàn để hạn chế thua lỗ làm cho tổng đàn có xu hướng giảm mạnh so với thời điểm 01/01/2017.
Theo giá 2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2017 ước đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.365 tỷ đồng, tăng 5,6% (+230 tỷ đồng, tăng chủ yếu do cơ cấu cây trồng vụ đông thay đổi: diện tích, sản lượng cây có giá trị cao như hành củ, cà rốt, bắp cải, su hào tăng cao); giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 525 tỷ đồng, tăng 4% (+21 tỷ đồng).
1.1. Trồng trọt
Vụ đông năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng được 21.809 ha, đạt 99,1 % so với kế hoạch (KH 22.000 ha), giảm 0,2% (- 46 ha) so với vụ đông năm 2016.
Sản xuất vụ chiêm xuân năm nay có những thuân lợi cơ bản đó là thời tiết nắng ấm, không có rét đậm, rét hại, nguồn nước đổ ải dồi dào. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng xong diện tích lúa và cây rau mầu vụ chiêm xuân; tổng diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân 2017 ước đạt 68.057 ha, giảm 0,5% (-163 ha) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân ước đạt 60.450 ha; rau, màu vụ xuân ước đạt 7.607 ha.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trong tỉnh ổn định, không xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm vụ đông xuân 2016 - 2017 cho các huyện, thành phố, thị xã trong đó: Tiêm phòng vacxin dịch tả lợn đạt 350.000 liều, vacxin tụ dấu lợn đạt 300.000 liều, vacxin dại đạt 44.000 liều, vacxin tụ huyết trùng đạt trên 10.000 liều.
Tổng đàn trâu tiếp tục có xu hướng giảm, do hiệu quả chăn nuôi thấp, nhu cầu dùng sức trâu để cày kéo trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.445 con, giảm 7%; Đàn bò ước đạt 20.500 con, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 626.000 con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (so với thời điểm 1/10/2016 giảm 4,6%, so với thời điểm 1/1/2017 giảm 3,7%). Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi giảm mạnh, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp nên nhiều hộ khi xuất chuồng đã không tái đàn để hạn chế thua lỗ..
Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 10.050 nghìn con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Lâm nghiệp
Trong quý I, toàn tỉnh đã trồng được trên 200.000 cây, những huyện có số lượng cây trồng nhiều như Chí Linh, Thanh Hà, Kinh Môn. Cây phân tán chủ yếu được trồng trong dịp đầu xuân, trồng tập trung ở các khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quanh bãi rác, đường làng, đường trục ngoài cánh đồng, các trang trại; các giống cây được trồng chủ yếu: sấu, lát, chẹo, bàng, bạch đàn, keo, long lão...
1.4. Thuỷ sản
Tình hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, công tác vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh được duy trì thường xuyên nên cơ bản dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước được duy trì ổn định, với diện tích nuôi trồng quý I ước đạt 10.429 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; Phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh ước đạt trên 2.200 lồng nuôi cá; tổng thể tích nuôi ước đạt 240.000 m3. Phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên người nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào do hầu hết các ao nuôi đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác quý I ước đạt 17.306 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2016.
2. Công nghiệp
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,4%, và tăng ở tất cả các ngành, trong đó: ngành khai khoáng tăng 22,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 11,2%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,9%.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 9,1%, đặc biệt trong nhóm ngành chính, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có mức tăng cao nhất với mức tăng 12,1%. Ngành khai khoáng vẫn có mức sản xuất giảm do doanh nghiệp khai thác khó tìm được đầu ra dẫn tới sản phẩm. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước, do giá thành/KW sản phẩm nhiệt điện cao khó cạnh tranh với thị trường bán điện của các đơn vị khác.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 9,3% nhiều nhóm ngành sản xuất quan trọng đều tăng. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9%, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 8,3%. Điều này cho thấy các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất kinh doanh của Chính phủ đang đem lại kết quả tích cực.
Đối với sản phẩm dệt may, da giày, sắp tới cơ hội tăng tốc xuất khẩu và mở rộng thị trường tiếp tục được thể hiện rõ nét nhờ cú huých từ một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết. So với cùng kỳ, ngành sản xuất trang phục tăng 35,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 30,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 25,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất giày dép tăng 8,2%.
Như vậy, ngay từ đầu năm sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tiếp tục đà phục hồi khá ấn tượng; kinh tế vĩ mô ổn định tương đối vững chắc; niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng đều tăng sẽ là nhân tố quan trọng tạo động lực mới cho phát triển của cả năm 2017. Trong thời gian tới, để hoàn thành được kế hoạch đề ra, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng còn cần sự nỗ lực không ngừng đến từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp cần có sự đổi mới hơn nữa mà trước hết là đổi mới về tư duy, nhận thức để có thể xây dựng được hướng đi phù hợp nhất cho chính bản thân doanh nghiệp.
3. Đầu tư - xây dựng
Ước quý I, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 7.154 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 130,6 triệu USD tăng 8,5 lần so với cùng kỳ 2016 (cùng kỳ: 15,3 triệu USD), trong đó: cấp mới cho 14 dự án với số vốn đầu tư đăng ký 97,5 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 05 lượt dự án với số vốn tăng 40,3 triệu USD. Các dự án FDI chủ yếu trong lĩnh vực: May mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi, linh kiện điện tử. Tình hình hoạt động của các DN tương đối ổn định, một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút thêm nhiều lao động.
Trong 3 tháng đầu năm, đã cấp GCN ĐKDN thành lập mới cho 199 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là1.229,6 tỷ đồng (tăng 21% về số doanh nghiệp và gấp đôi về số vốn so với cùng kỳ năm 2016).
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Theo số liệu từ Sở Tài chính, Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước hết tháng 3 năm 2017 ước đạt 3.466,5 tỷ đồng, tăng 32,5% cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 2.954,0 tỷ đồng, tăng 35,0%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua hải quan 512,4 tỷ đồng, tăng 19,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm ước đến hết tháng 3 đạt 2.498,5 tỷ đồng, tăng 6,5% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên 1.961,6 tỷ đồng, tăng 13,2%.
5. Tín dụng ngân hàng
Nguồn vốn huy động tăng khá, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, tập trung vào các chương trình tín dụng ưu tiên, tín dụng chính sách. Các TCTD trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm cơ chế điều hành lãi suất, tỷ giá của NHNN Việt Nam; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định. Ước đến cuối tháng 3, nguồn vốn huy động tăng 4,5%; tín dụng tăng 1,3%so vớicuối năm 2016; chất lượng tín dụng đảm bảo, trong tầm kiểm soát, nợ xấu chiếm 1,4% tổng dư nợ.
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 3.837,8 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 03 tháng đầu năm ước đạt 11.255 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước tăng 4,4%; tập thể tăng 8,9%; cá thể tăng 9,6%; tư nhân tăng 12,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 03 tháng đầu năm ước tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.
6.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận chuyển hành khách 3 tháng đầu năm ước đạt 6,0 triệu hành khách, tăng 10,4%; luân chuyển ước đạt 354,0 triệu hành khách.km tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hàng hóa 3 tháng đầu năm ước đạt 15,8 triệu tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.115,3 triệu tấn.Km, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đường bộ ước đạt 8,8 triệu tấn, chiếm 55,4% và tăng 9,1% (luân chuyển chiếm 30,4% và tăng 7,8%); đường sông ước đạt 6,9 triệu tấn, chiếm 43,5% và tăng 6,1% (luân chuyển chiếm 61,7% và tăng 6,3%); đường biển đạt khoảng 0,2 triệu tấn, chiếm 1,1% và giảm 4,3% (luân chuyển chiếm 7,9% và giảm 5,0%).
6.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,08% so với tháng trước; so với cùng kỳ (tháng 3/2016) tăng 4,23%. Bình quân 3 tháng đầu năm so với CK năm trước tăng 5,18%./.
Website Cục Thống kê Hải Dương