Thời tiết thuận lợi cho việc gieo cấy vụ Chiêm xuân, nhưng bất thuận với cây vải; giá lợn hơi giảm mạnh nên chăn nuôi đang gặp khó khăn. Sản xuất công nghiệp ổn định nhưng thu hút đầu tư không có nhiều “điểm sáng” nên dài hạn khó giữ được tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Vụ chiêm xuân năm 2017 toàn tỉnh gieo trồng ước đạt 69.394 ha, giảm 0,36% (-254 ha) so với vụ Chiêm xuân năm 2016; trong đó, cây lương thực ước đạt 60.911 ha, chiếm 87,8% tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân, giảm 1,5% (-926 ha) so với vụ chiêm xuân 2016.
Tổng diện tích gieo trồng giảm (-625 ha), trong đó cây lúa giảm nhiều nhất (-1.200 ha), nguyên nhân chính làm giảm diện tích gieo trồng lúa vụ chiêm xuân 2016 là do: chuyển sang trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn (600 ha); chuyển sang trồng cây lâu năm (200 ha); bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như bỏ hoang đất, chuyển mục đích sử dụng đất: xây dựng đường giao thông, mở rộng khu dân cư, mở rộng đường nội đồng, kênh dẫn nước và một số công trình công ích khác. Các địa phương có diện tích lúa giảm nhiều là: huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Cẩm Giàng, Bình Giang...
Về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải, thời tiết năm nay nắng ấm, không có rét đậm, rét hại nên vải thiều không phân hóa mầm hoa; tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp: vải sớm đạt trên 90%, vải muộn (vải thiều) đạt 40%. Sản lượng vải ước đạt hơn 30 nghìn tấn, thấp hơn trung bình các năm trước.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá bán thịt hơi giảm mạnh, người chăn nuôi bị thua lỗ nên nhiều hộ khi xuất chuồng đã không tái đàn để hạn chế thua lỗ làm cho tổng đàn có xu hướng giảm mạnh. Tổng đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 620.000 con, giảm 4,6% so với thời điểm 01/01/2017, nhưng vẫn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn trâu toàn tỉnh ước đạt 4.440 con, giảm 7%; đàn bò ước đạt 20.400 con, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước được duy trì ổn định, với diện tích nuôi trồng ước đạt 10.450 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2016; phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh ước đạt trên 2.200 lồng nuôi cá; tổng thể tích nuôi ước đạt 240.000 m3. Sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác trong tháng 4 ước đạt 6.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2016.
2. Công nghiệp
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%, trong đó các nhóm ngành chính đều có chỉ số tăng, cụ thể như sau: khai khoáng tăng 1,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 3,9%; đặc biệt ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 10,6%, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu về điện tiêu thụ tăng lên, cùng với đó là việc các nhà máy nhiệt điện (trong đó có Nhiệt điện Phả Lại) phải tăng sản lượng điện sản xuất để có đủ điện phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,2%; trong đó, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 14,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 18,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,1% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 0,05%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,5%.
Mặc dù sản xuất công nghiệp có chỉ số tăng trưởng ổn định nhưng cũng còn tồn tại hạn chế, khó khăn. Các doanh nghiệp dệt may, da giày, xi măng, sắt thép, ô tô phải chịu sức ép lớn đến từ hàng ngoại nhập và những diễn biến kinh tế, chính trị trên thế giới.
Phát triển công nghiệp của tỉnh phụ thuộc lớn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 60% có mức tăng trưởng cao, còn khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng xấp xỉ 30% có mức tăng trưởng thấp hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ cao, trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế; tính kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp FDI còn thấp.
3. Đầu tư - xây dựng
Tháng 4, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 118,8 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 81,9 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép, cộng dồn 4 tháng đầu năm có 14 dự án được cấp giấy phép với số vốn đầu tư đăng ký 97,5 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 3.822 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm ước đạt 15.039 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước tăng 1,3%; tập thể tăng 6,3%; cá thể tăng 9,9%; tư nhân tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận chuyển hành khách 4 tháng đầu năm ước đạt 7,8 triệu hành khách, tăng 8,7%; luân chuyển ước đạt 460,4 triệu hành khách.km tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 21,4 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.495,4 triệu tấn.Km, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đường bộ ước đạt 11,6 triệu tấn, chiếm 55,4% và tăng 7,7% (luân chuyển chiếm 30,8% và tăng 8,2%); đường sông ước đạt 9,5 triệu tấn, chiếm 44,5% và tăng 7,0% (luân chuyển chiếm 61,6% và tăng 7,1%); đường biển đạt khoảng 0,2 triệu tấn, chiếm 1,1% và giảm 5,5% (luân chuyển chiếm 7,6% và giảm 8,7%).
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 4 giảm 0,51% so với tháng trước; tăng 3,27% so với cùng kỳ (tháng 4/2016); bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,70% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng giá ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn, nhưng chênh lệch khá nhỏ; nguyên nhân chủ yếu do nhóm lương thực, thực phẩm khu vực thành thị tăng giá cao hơn./.
Cục Thống kê tỉnh Hải Dương