(MPI) – Ngày 08/6/2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng IFAD tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và Đại diện Văn phòng IFAD tại Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, tổ hợp tác cùng với hợp tác xã là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, khi đa số hộ sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, kém phát triển thì hình thức liên kết, hợp tác sản xuất ở quy mô nhỏ và vừa là đặc biệt hữu hiệu. Việc liên kết, hỗ trợ giữa các hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ giúp sử dụng nguồn lực tối ưu nhất, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhìn chung quy mô tổ hợp tác vẫn còn nhỏ, vốn và tài sản ít. Nhiều tổ hợp tác hoạt động không thường xuyên chỉ mang tính mùa vụ, tự phát, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở. Phần lớn các tổ hợp tác còn gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng, tiếp cận các quy định pháp luật do quy mô của các tổ hợp tác nhỏ, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế. Tuy nhiên, tổ hợp tác đã bước đầu khẳng định được vai trò, lợi ích và tầm quan trọng như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định tình hình an ninh, chính trị trong cộng đồng dân cư…
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm hỗ trợ, tạo khung pháp luật minh bạch, rõ ràng giúp tổ hợp tác và các loại nhóm hợp tác thành lập và phát triển và dựa trên quan điểm, bám sát các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015; Kế thừa các ưu điểm của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và đáp ứng đủ những yêu cầu: Khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác; Tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác thành lập, hoạt động và phát triển cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác.
Đồng thời, tạo địa vị pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp các tổ hợp tác khẳng định được địa vị và uy tín đối với thành viên tổ hợp tác, đối với các đối tác. Giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình phát triển và quản lý, hỗ trợ được hoạt động của tổ hợp tác. Tạo điều kiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể nói chung và tổ hợp tác nói riêng.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Tại Hội thảo, tham luận về vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình nông dân của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 03 vấn đề cần làm rõ. Một là, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nông nghiệp (APOs) đối với sự phát triển của kinh tế hộ nông dân. Hai là, kinh nghiệm xây dựng các tổ chức xã hội nghề nghiệp của một số quốc gia trên thế giới và ba là, làm thế nào để phát triển mạnh hơn xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam và vai trò tham gia của Hội Nông dân trong xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam.
TS. Lê Đức Thịnh cho rằng, xét trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, giải pháp tốt nhất hiện nay để củng cố phát triển và hoàn thiện APOs là huy động sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam vào một số chức năng của APOs, đặc biệt là chức năng bảo vệ quyền lợi của nông dân và người sản xuất. Chức năng tư vấn, giám sát đánh giá việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển ở địa phương. Sự tham gia thực thi các chức năng của APOs đối với tổ chức Hội Nông dân các cấp cũng phù hợp với chủ trương và định hướng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Trung ương Hội đang tiến hành.
Về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Hữu Văn, Phó Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của Hội. Trong đó có nội dung tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của thành phần kinh tế tập thể đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại của nông dân, nông thôn. Trên cơ sở nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, cán bộ Hội tích cực vận động họ tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương, địa bàn.
Đồng thời, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường tư vấn, hướng dẫn các tổ hợp tác phát triển thành các hợp tác xã: Hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã dịch vụ, hợp tác, hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần… Tổ chức Hội đứng ra kết nối những hội nông dân trên địa bàn có ý định thành lập các loại hình kinh tế tập thể để khuyến khích, động viên và hướng dẫn họ trình tự, thủ tục để thành lập các hình thức kinh tế tập thể theo Bộ Luật dân sự và Nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của tổ hợp tác và việc phát triển từ các tổ hợp tác lên các hợp tác xã hoặc thành lập các hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Củng cố chặt chẽ mối quan hệ giữa các chi, tổ Hội Nông dân với các hình thức kinh tế tập thể trong nông thôn…
Phát biểu tại Hội thảo các đại biểu đến từ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đều đánh giá cao các nội dung của Dự thảo. Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, gắn với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển của kinh tế tập thể, các đại biểu bày tỏ quan tâm đến các vấn đề hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác; Kinh phí tuyên truyền, hỗ trợ công tác tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể trực tiếp cho Hội Nông dân; Chính sách tín dụng; Hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích các hạt nhân ở nông thôn; Chính sách đặc thù hỗ trợ tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Theo báo cáo của 48/63 tỉnh, thành phố, hiện nay có khoảng 68.364 tổ hợp tác được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó có 35.570 tổ hợp tác có chứng thực, 3.365 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động và 154 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác.
Khu vực tổ hợp tác thu hút 1.166.327 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 805.123 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 811 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 369 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 79 triệu đồng/năm.
|
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư