1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Đến ngày 15/5 cơ bản diện tích lúa chiêm xuân trỗ thoát, trà sớm đang vào trắc dự kiến cho thu hoạch vào đầu tháng 6. Năng suất lúa vụ chiêm xuân năm 2017 ước đạt 64,29 tạ/ha, tương đương với vụ chiêm xuân 2016. Sản lượng lúa ước giảm 2,7% (giảm hơn 10 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân giảm là do diện tích gieo cấy giảm so với cùng kỳ.
Hiệu quả kinh tế cây lúa trong những năm gần đây đạt thấp, trong khi một số loại cây trồng hàng năm khác đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên nhiều địa phương đã chuyển sang trồng cây rau mầu, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Diện tích trồng lúa vụ chiêm xuân đạt 59.375 ha, giảm 2,22 % (-1.350 ha) so với vụ Chiêm xuân năm 2016, bằng 98,96 % kế hoạch (KH 60.000 ha). Diện tích lúa giảm ở hầu hết các huyện, thành phố nhiều nhất là ở các huyện Gia Lộc (-268 ha); huyện Thanh Miện (-230 ha); huyện Tứ Kỳ (-178 ha); huyện Thanh Hà (-162 ha).
Về cây ăn quả, vải là cây trồng chủ lực của tỉnh, tổng sản lượng vải ước đạt 32.200 tấn, so với năm 2016 giảm 17%; riêng trà vải sớm năm nay sản lượng ước đạt 10.000 tấn, tăng 4% so với năm 2016. Nguyên nhân làm cho sản lượng vải giảm so với năm trước chủ yếu là do những tháng đầu năm điều kiện thời tiết không thuận lợi đối với cây vải, nhất là trà vải muộn, ở thời kỳ phân hóa mầm hoa thời tiết nắng nóng, không xuất hiện rét đậm làm cây phân hóa mầm hoa kém, tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp; đồng thời do trong những năm gần đây hiệu quả kinh tế cây vải đạt thấp nên người trồng vải ít đầu tư chăm sóc, vải sinh trưởng, phát triển kém.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá bán thịt hơi giảm mạnh, người chăn nuôi bị thua lỗ nên nhiều hộ khi xuất chuồng đã không tái đàn để hạn chế thua lỗ làm cho tổng đàn có xu hướng giảm mạnh.
Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.275 con, giảm 2,1%; Đàn bò ước đạt 19.965 con, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn ước đạt 601.800 con, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn lợn thịt ước đạt 517.700 con, giảm 1,9% so với cùng kỳ, giảm 0,4% so với tháng trước.
Đàn gia cầm ước đạt 10.355 con, tăng 6,9 % so với cùng kỳ năm trước. Đàn gà tăng so cùng kỳ do giá thịt gà xuất chuồng luôn ổn định ở mức khá cao, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi mở rông quy mô sản xuất.
Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn duy trì ổn định và phát triển khá trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và sản xuất giống thủy sản, công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên.
2. Công nghiệp
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,5%, chủ yếu là do nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 2,6%. Nhóm ngành này giảm như vậy là do một số ngành công nghiệp chủ đạo giảm, như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 2,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 24,6%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu giảm 7,2%; một số ngành công nghiệp chủ đạo giảm là do hiện nay ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn đã làm ảnh hưởng tới sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Bên cạnh đó do sự cố môi trường nên một công ty sản xuất xi măng lớn của Tỉnh đang phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 5. Các nhóm ngành chính có chỉ số tăng là ngành khai khoáng tăng 8,9; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 8,2%; nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng làm nhu cầu về điện tiêu dùng và nước sinh hoạt tăng cao.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 5,7%, trong đó một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 1,9%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 14,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,1% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 1,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 10,0%.
Dù sản xuất công nghiệp còn tồn tại hạn chế, khó khăn, nhưng vẫn có những điểm sáng tích cực như môi trường kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến thuận lợi; cầu trong nước và thế giới có sự hồi phục, niềm tin của giới đầu tư tăng nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới nhiều hơn. Ở một khía cạnh khác, lạm phát đang dần được nới lỏng; lãi suất ngân hàng ổn định. Đây là những nhân tố chính để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
3. Đầu tư - xây dựng
Ước tháng 5, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 146,1 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 95,0 tỷ đồng, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian qua, việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ tuy có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhưng do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính đến thời điểm 15 tháng 5 có 15 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 99,4 triệu USD (trong tháng 4 và tháng 5 chưa có dự án mới nào được cấp phép hoạt động). So với cùng kỳ năm trước, số dự án được cấp phép mới cao hơn 8 dự án với số vốn đăng ký cao hơn 83,4 triệu USD (gấp hơn 6 lần).
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 3.795 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm ước đạt 18.753 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước tăng 1,6%; tập thể tăng 6,0%; cá thể tăng 8,5%; tư nhân tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận chuyển hành khách 5 tháng đầu năm ước đạt 9,8 triệu hành khách, tăng 9,1%; luân chuyển ước đạt 571,7 triệu hành khách.km tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 26,9 triệu tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.869,2 triệu tấn.Km, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đường bộ ước đạt 14,6 triệu tấn, chiếm 54,2% và tăng 7,6% (luân chuyển chiếm 30,7% và tăng 7,3%); đường sông ước đạt 12,0 triệu tấn, chiếm 44,7% và tăng 6,7% (luân chuyển chiếm 61,5% và tăng 6,8%); đường biển đạt khoảng 0,3 triệu tấn, chiếm 1,1% và giảm 7,3% (luân chuyển chiếm 7,8% và giảm 7,6%).
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 5 giảm 1,44% so với tháng trước; so với cùng kỳ (tháng 5/2016) tăng 1,42%. Bình quân 5 tháng đầu năm so với CK năm trước tăng 4,03%.
Nguyên nhân làm cho chỉ số tháng này giảm nhẹ chủ yếu là do nhóm hàng lương thực, thực phẩm, ga đun, xăng, dầu... giảm và bị ảnh hưởng mạnh nhất là nhóm hàng thịt gia súc tươi sống, ga đun và gạo ngon giảm 500 đồng/kg từ kỳ 2 tháng báo cáo.
5. Tai nạn giao thông
Tháng 4/2017, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 10 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm chết 08 người, bị thương 06 người. Bốn tháng đầu năm 2017 xảy ra 52 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 44 người và bị thương 34 người; so với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm 22 vụ (-33,8%), giảm 17 người chết (-27,9%) và tăng 07 người bị thương (26,0%)./.
Cục Thống kê tỉnh Hải Dương