(MPI) – Trong khuôn khổ các hội nghị của tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) APEC 2017, ngày 11/9/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Diễn đàn Tài chính DNNVV APEC: Nâng tầm công nghệ để mở rộng chuỗi cung ứng tài chính.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI
|
Diễn đàn tập trung rà soát những kinh nghiệm và bài học mới nhất trong đổi mới tài chính các DNNVV, thảo luận chi tiết về sự phát triển và thách thức của chuỗi cung ứng tài chính trong khu vực. Đây được coi là một phương pháp để tiếp cận khách hàng DNNVV bằng cách tận dụng các mối quan hệ chuỗi và công nghệ hiện đại, chuỗi cung ứng tài chính, giúp tập hợp một số lượng lớn các DNNVV vào hệ thống tài chính chính thức. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, khuyến nghị của các nhà hoạch định chính sách phát triển, tài chính, phát triển DNNVV, các chuyên gia trong ngành và các học giả.
Hiện DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trong khối APEC nhưng chỉ chiếm 35% hoặc ít hơn về kim ngạch xuất khẩu trực tiếp. Diễn đàn Tài chính châu Á – Thái Bình Dương (APFF) đã nỗ lực trong việc cải cách cấu trúc tài chính (bảo mật giao dịch, báo cáo tín dụng và tình trạng không có khả năng trả nợ) cũng như thương mại và chuỗi cung ứng tài chính trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Những điều này cần được phổ biến tới những nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính và cộng đồng MSME thông qua Mạng lưới phát triển hạ tầng tài chính APEC (FIDN) trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 với trọng tâm là các dự án về kỷ nguyên số hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết và trao đổi giữa các nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà hành pháp về những đổi mới sáng tạo kỹ thuật số mới nhất và sự đổi mới trong cơ sở hạ tầng tài chính của MSME. Các hoạt động sẽ được tổ chức cùng với sự phối hợp của FIDN. Đây là một sáng kiến quan trọng thuộc Kế hoạch hành động Cebu (CAP), được chính thức khởi động vào ngày 12/11/2015. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2015 đã nhận định rằng FIDN giúp phát triển hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả, bảo mật các giao dịch và cơ chế mất khả năng thanh toán nợ để cung cấp một nền tảng tốt hơn nhằm mở đường cho việc hỗ trợ các MSME của các tổ chức tài chính. Các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá cao sự thành lập của FIDN trong CAP, công nhận tầm quan trọng của việc MSME tiếp cận tài chính là một nhân tố chủ chốt cho sự tăng trưởng, quốc tế hóa và nâng cao năng suất của MSME.
Các dự án về kỷ nguyên số hóa dự án sẽ giúp thực hiện chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo, góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho MSME thông qua các cuộc đối thoại công-tư, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế và giữa các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp về các đổi mới sáng tạo liên quan trong thời đại kỹ thuật số. Những đổi mới kỹ thuật số trong cho vay kết hợp với những đổi mới liên quan đang diễn ra ở một số nền kinh tế APEC. Trao đổi và quảng bá rộng rãi sẽ giúp thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực.
Mục tiêu chính của dự án nhằm tạo cơ sở cho các cuộc đối thoại cởi mở giữa khu vực công và tư nhân về cơ hội và thách thức của việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của MSME ở Việt Nam và khu vực trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng tăng; Đẩy mạnh các mô hình bảo mật các giao dịch tiên tiến và đổi mới phương thức báo cáo tín dụng để hỗ trợ tài chính cho các MSME; Cung cấp mạng lưới và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia MSME từ các khu vực công và tư trong toàn khu vực; Kết nối các phần công việc bao quát mà APFF đã hoàn thành về cung cấp tài chính cho MSME và nhiều tổ chức tài chính là thành viên của APFF với cộng đồng MSME; Vận động cho sự phát triển của nền tài chính kỹ thuật số kết nối các bên hữu quan trong các chuỗi giá trị cho mục đích tài chính và có thể giảm chi phí giao dịch cho người đi vay.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, những hoạt động tài chính sử dụng các phương thức phi truyền thống (như thương mại điện tử và thanh toán) giúp nâng cấp nền tảng tài chính điện tử, là hướng đi mới để cải thiện thị trường tài chính của các MSME thuộc các nền kinh tế APEC./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư