Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/11/2017-09:45:00 AM
Chào đón các nhà đầu tư từ các nước thành viên APEC đầu tư vào các đặc khu kinh tế
(MPI) – Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn ra ngày 07/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên đối thoại với chủ đề Đặc khu kinh tế và kinh doanh du lịch. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tham dự và có bài phát biểu tại phiên đối thoại.

Toàn cảnh phiên đối thoại. Ảnh: MPI

Việc phát triển thành công hay không thành công của đặc khu kinh tế (ĐKKT) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau, song một điều không thể phủ nhận là mô hình này đã mang lại cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở cửa nền kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế thế giới cho các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với mong muốn hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ năm 1991, Việt Nam đã thành lập khu chế xuất đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Tiếp sau đó, Việt Nam đã phát triển thêm các mô hình, gồm: khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đến nay, Việt Nam đã có 17 KKT ven biển, 26 KKT cửa khẩu, 325 KCN, KCX và 3 KCNC, thu hút được 153,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký; Đóng góp 45% giá trị sản xuất công nghiệp và 51% giá trị xuất khẩu của cả nước; Thu hút hơn 3 triệu lao động. Các KCN, KCX, KKT, KCNC đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và hợp tác cùng phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế của các quốc gia thành công trên thế giới và qua thực tiễn 25 năm phát triển KCN, KKT, Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại 03 địa phương, gồm Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đây là những khu vực có vị trí địa lý chiến lược, có tiềm năng thế mạnh cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghệ cao, thương mại dịch vụ và tài chính. Đồng thời, có kết nối giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không thuận lợi, có thể tiếp cận thị trường trong nước, thị trường khu vực và quốc tế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và các yếu tố cần thiết khác cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam định hướng phát triển các ĐKKT thành khu vực tăng trưởng kinh tế cao với phương thức quản lý mới và tạo ra môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn, thu hút các dự án đầu tư của nhà đầu tư quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), trong đó xây dựng những chính sách kinh tế - xã hội và cơ chế quản lý hành chính, tư pháp đặc biệt. Trong đó, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội sẽ tập trung xây dựng quy hoạch đặc khu kinh tế đồng bộ và tầm nhìn dài hạn. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng thông qua thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại ĐKKT, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại Tòa án nước ngoài; Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở.

Đồng thời, huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của ĐKKT; Ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội quy định hiện hành, trong đó ưu đãi cao nhất áp dụng đối với dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB và dự án của nhà đầu tư chiến lược; Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch thông qua cho phép bán hàng miễn thuế; Thực hiện miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; Cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại ĐKKT và các ưu đãi thuế cho hoạt động kinh doanh casino…

Xây dựng bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu quả tại các ĐKKT, áp dụng thủ tục hành chính thông thoáng để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp tại ĐKKT đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các tranh chấp phát sinh, trong đó tập trung xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.

Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á, Thái Bình Dương (APEC) được gần 20 năm và đã trở thành thành viên hội nhập và tích cực của APEC. Hiện nay, 13 trong tổng số 15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Bên cạnh đó, 07 nền kinh tế thành viên này cũng nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lũy kế đăng ký khoảng 194 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn đến từ các nước thành viên APEC đã đến đầu tư vào các KCN, KKT, KCNC của Việt Nam với tổng vốn đầu tư chiếm khoảng trên 60% tổng vốn đầu tư FDI.

Phiên đối thoại là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm và bài học về phát triển ĐKKT để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm mô hình này. Đồng thời, Việt Nam cũng hy vọng được đón nhận các nhà đầu tư từ các nước thành viên APEC đầu tư vào các ĐKKT, chung tay cùng phát triển các ĐKKT thành hình mẫu của sự hợp tác, cùng phát triển vì tương lai chung./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2050
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)