(MPI) – Ngày 10/11/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
|
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi.vn
|
Tờ trình của Chính phủ chỉ rõ việc cần thiết của việc ban hành Luật đơn vị HCKTĐB nhằm luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế (ĐKKT) và xây dựng một số đơn vị HCKTĐB của Đảng. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB để áp dụng tại 3 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị.
Những năm gần đây, việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Mặc dù vậy, kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý một số đặc khu, KCN, KCX, KKT, KCNC là tiền đề quan trọng để chúng ta thành lập các đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là những đơn vị có vị trí chiến lược và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế.
Từ năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xây dựng và phát triển khá thành công các mô hình khu thương mại tự do, ĐKKT, đặc khu hành chính, thành phố tự do... Các ĐKKT này đã và đang trở thành đầu tàu phát triển, có tính lan tỏa và tiếp tục được hoàn thiện, thành lập mới ở trình độ cao hơn.
Dự thảo Luật có kết cấu gồm: 6 Chương, 104 Điều và 5 Phụ lục, với các nội dung chính quy định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị HCKTĐB; Quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị HCKTĐB.
Tại Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án xây dựng chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB. Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB. Trong đó, Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án 1.
Về thời gian trình các đề án thành lập đơn vị HCKTĐB, Chính phủ xin trình các Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thành lập ba đơn vị HCKTĐB nêu trên để Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập ba đơn vị này đồng thời với thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đơn vị HCKTĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đơn vị HCKTĐB với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhận thấy việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị", đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì Luật này có thể quy định những cơ chế, chính sách vượt trội khác với các luật hiện hành, tuy nhiên, phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân tại đơn vị HCKTĐB.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn một số nội dung. Một là, các mô hình KKT hiện nay ở nước ta được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…, tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi và sự đáp ứng các mục tiêu, kỳ vọng đặt ra khi thành lập các KKT này còn nhiều hạn chế. Trong khu vực và trên thế giới, các đặc khu kinh tế cũng đã được thành lập ở nhiều quốc gia với quy mô, mức độ thành công khác nhau. Do đó, đề nghị đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng hơn về các chính sách áp dụng tại các mô hình KKT trong những năm qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB. Đồng thời, đánh giá khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của các đơn vị HCKTĐB so với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng các đặc khu kinh tế ở nhiều nước cho thấy một trong những yếu tố quyết định sự thành công của các đặc khu là có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với các đơn vị HCKTĐB để bảo đảm sự thành công của mô hình này. Bên cạnh đó, cần đánh giá về khả năng tham gia của các nhà đầu tư chiến lược cũng như khả năng tự huy động tài chính của đơn vị HCKTĐB trong các giai đoạn tiếp theo để có lộ trình giảm dần mức hỗ trợ của ngân sách trung ương cho các đơn vị này.
Ba là, các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này. Bên cạnh đó, việc phát triển đơn vị HCKTĐB dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này.
Bốn là, để thu hút đầu tư vào các đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành và cho rằng đây là điều kiện cần thiết để phát triển các đơn vị HCKTĐB. Đồng thời với việc này, cũng cần quan tâm thỏa đáng tới các chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. Có ý kiến cho rằng "dự thảo Luật chưa hài hòa giữa việc thiết kế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có thể phát sinh, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương...". Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về những tác động xã hội đối với cư dân địa phương, làm rõ lợi ích của những cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng đối với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân ở các khu vực này, giải pháp để khắc phục, giảm thiểu các tác động bất lợi (nếu có).
Về thời gian trình thông qua các đề án thành lập đơn vị HCKTĐB và quy trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật đơn vị HCKTĐB, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, các đề án được Chính phủ trình mới chỉ là dự thảo do các địa phương chuẩn bị, chưa được Chính phủ thông qua. Theo quy định tại Điều 76 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ phải xây dựng đề án thành lập đơn vị HCKTĐB trình Quốc hội. Đề án phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, do các bước nêu trên đều chưa được thực hiện, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không có cơ sở để báo cáo Quốc hội về thời gian trình thông qua các đề án thành lập đơn vị HCKTĐB theo quy trình tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 5) hay nhiều kỳ họp Quốc hội.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật đơn vị HCKTĐB được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy đây là một dự án Luật lớn, nội dung phức tạp. Để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án Luật và thành lập các đơn vị HCKTĐB thì ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Luật, xây dựng và trình Quốc hội các đề án thành lập đơn vị HCKTĐB như đã nêu, Chính phủ và các cơ quan có liên quan còn phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong các đơn vị HCKTĐB theo đúng yêu cầu tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW của Bộ Chính trị; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện có liên quan, thành lập Tòa án, Viện Kiểm sát tại đơn vị HCKTĐB… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động cả ở cấp huyện và cấp xã tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, bảo đảm ổn định đời sống của người dân.
Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và kết cấu của dự thảo Luật; Mô hình Tòa án và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị HCKTĐB; Về áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; Về nhà đầu tư chiến lược; Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến về 9 nhóm chính sách của dự thảo Luật về tiếp cận đất đai, thuế phí, xuất nhập cảnh, thời hạn cho thuê đất đến 99 năm để thu hút các nhà đầu tư đến đặc khu. Đa số ý kiến đều khẳng định, luật có nhiều điểm tiến bộ, cần thiết phải ban hành nhưng cần lưu ý không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá vì các đặc khu đều ở các vị trí chiến lược.
Về tổ chức chính quyền địa phương tại các đặc khu này, một số đại biểu đồng tình với việc không tổ chức hội đồng nhân dân tại đặc khu nhưng phải có tổ chức đảng và chính quyền, đồng thời nên lên cần mở rộng quyền của trưởng đặc khu để tạo cơ chế thông thoáng. Một số đại biểu đặc biệt lưu ý, phải chọn lựa cán bộ giỏi nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, tránh lạm quyền. Một số đại biểu đề xuất, nên để các đặc khu trực thuộc trung ương để tránh nhiều tầng lớp./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư