(MPI) - Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/11/2017, tại Hà Nội.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI)
|
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên, nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường, kết nối hoạt động bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặt ra các yêu cầu đối với xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát triển các doanh nghiệp, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam trước thách thức của hội nhập quốc tế.
Việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các hoạt động: Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên…Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang gặp khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh, cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mỗi quốc gia đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nhằm tạo lập mục tiêu vì con người thông qua nhiều phương thức tăng trưởng mới, vấn đề tăng trưởng xanh được nhắc đến là phương thức tăng trưởng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Theo đánh giá, nội hàm tăng trưởng xanh ở Việt Nam rộng hơn so với một số nước hay một số tổ chức quốc tế như Hàn Quốc, Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc, OECD. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng đi liền với tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên. Bên cạnh giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua các bài tham luận của các nhà khoa học gửi về Hội thảo đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về ý nghĩa, hiệu quả và cả những trăn trở, thể hiện sự tâm huyết về vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ các vấn đề về nội hàm của tăng trưởng xanh, mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh với phát triển bền vững. Vai trò của Nhà nước cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường; Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là nghĩa vụ, hay còn là quyền lợi của các chủ thể tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế; Giải pháp để lồng ghép tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hiện hành của quản trị quốc gia, cũng như trong chiến lược kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp.
Các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng, tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản của phát triển bền vững với sự tập trung hơn vào yếu tố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những vấn đề then chốt trong phát triển của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng xanh là một bộ phận của phát triển bền vững tập trung vào môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở công nghệ xanh và tạo ra động lực phát triển mới…/.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư