Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/11/2017-13:34:00 PM
Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Ngày 09/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017.

Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xuất khẩu tăng 20,7%, gấp gần ba lần so với mức tăng cùng kỳ; Cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ tình trạng nhập siêu sang xuất siêu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công được chú trọng triển khai. Môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới Việt Nam tăng 14 bậc, từ vị trí thứ 82 lên vị trí thứ 68/190 nền kinh tế. Các chính sách, chương trình an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tuy vậy, thiên tai, bão, lũ thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.

Trong 2 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế; Quyết liệt hành động, thúc đẩy thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2017.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo tinh thần đổi mới, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực, giải pháp có tính đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; Trình Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2017 để triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2018. Tiếp tục phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của ngành, các cấp trong việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy thực hiện tốt hơn thời gian tới. Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 5 xem xét, thông qua. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát, đôn đốc, giám sát, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công. Tổ chức triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp để giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công năm 2017; Rà soát, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy triển khai các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn FDI, ODA và vốn đầu tư tư nhân; Đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, trên tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm tốt nhất lợi ích Nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ động phát biểu, giải trình chất vấn, trực tiếp cung cấp đầy đủ thông tin những vấn đề Quốc hội quan tâm.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và các thông tư hướng dẫn còn nợ đọng; Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực trong năm 2017 theo phân công.

Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6 (khóa XII) và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo về: Giảm phí liên quan đến chi phí đầu vào doanh nghiệp của Bộ Tài chính; Rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đề xuất các biện pháp cắt, giảm mức phí, chi phí cho doanh nghiệp của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, về việc cắt giảm mức phí, chi phí chính thức Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 09/8/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017. Đồng thời rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, giảm mức thu phí, bãi bỏ một số phí không cần thiết. Tích cực phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; Lấy ý kiến các Bộ, ngành, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về việc cắt giảm chi phí không chính thức, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường đổi mới phương thức, lề lối làm việc; Công khai, minh bạch thủ tục hành chính và các khoản phí, lệ phí; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết công việc với doanh nghiệp; Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, khuyến khích, phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc đề xuất giải pháp hoặc phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước, cấp có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1745
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)