Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/01/2018-16:13:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2018 của tỉnh Sơn La

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ đông xuân. Tính đến thời điểm 15/01/2018, toàn tỉnh đã gieo trồng được 573 ha ngô, 05 ha khoai lang, 2.241 ha rau, 32.176 ha sắn và 8.039 ha mía. So với cùng kỳ năm trước diện tích ngô tăng 25,9%, rau các loại tăng 0,4%, sắn giảm 2,0%, mía tăng 27,6%.

Đã thu hoạch được 215 tấn ngô, 12.324 tấn rau các loại, 198.037 tấn sắn, 76.309 tấn mía. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng ngô giảm 4,4%, rau các loại tăng 13,6%, sắn giảm 5,5%, mía tăng 11,8%.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển, diện tích cây lâu năm hiện có 35.819 ha cây ăn quả, 28.147 ha cây lấy sản phẩm chủ yếu cho công nghiệp chế biến, trong đó: Chè 4.508 ha, 6.039 ha cao su, 17.600 ha cà phê. So với cùng kỳ năm trước diện tích cây ăn quả tăng 54,4%, cây lấy sản phẩm cho công nghiệp chế biến tăng 3,5%, trong đó chè tăng 5,1%, cao su giảm 2,7%, cà phê tăng 5,3%.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch sản xuất cây trồng của tỉnh, tính đến tháng 01/2018 toàn tỉnh hiện có 19.351 ha cây ăn quả trồng trên đất dốc (trong đó trồng trên đất trồng lúa nương 90 ha, đất trồng ngô 17.219 ha, đất trồng sắn 1.343 ha, đất trồng cà phê 699 ha); 7.575 ha cây ghép lai cho năng suất và chất lượng cao; 104 ha rau các loại, 248 ha chè, 121 ha nhãn, 05 ha mận, 26 ha xoài, 20 ha na, 08 ha chanh leo và 05 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGap.

Trong tháng đã thu hoạch được 1.326 tấn chuối, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước; 976 tấn cam, tăng 76,5%; 215 tấn bưởi, tăng 18,1%; 135 tấn chanh leo, cùng kỳ năm trước không phát sinh; 4.793 tấn cà phê, tăng 17,2 lần; 01 tấn chè, giảm 75,0%.

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh đối với một số cây trồng: Rau các loại 11 ha, cà phê 24 ha, cây ăn quả 02 ha, tuy nhiên không có diện tích mất trắng, dự ước giá trị thiệt hại 14 triệu đồng.

b) Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng nhìn chung ổn định. Ước tính đàn trâu hiện có 142.920 con, giảm 2,3%; đàn bò 291.508 con, tăng 9,1%; đàn lợn 609.243 con, tăng 0,4%; đàn gia cầm 6.027 nghìn con, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm thịt trâu xuất chuồng tháng 01 ước đạt 432 tấn, thịt bò 497 tấn, thịt lợn 3.865 tấn, thịt gia cầm 954 tấn, sản lượng sữa tươi 7.190 tấn, trứng gia cầm 5.342 nghìn quả. So với cùng kỳ năm trước sản lượng thịt trâu xuất chuồng tăng 0,9%, thịt bò tăng 0,8%, thịt lợn tăng 1,8%, thịt gia cầm tăng 0,7%, sữa tươi tăng 9,6%, trứng gia cầm tăng 8,3%.

Trong tháng xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn huyện Yên Châu làm 42 con bò mắc bệnh. Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được 345 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 23.600 liều vắc xin lở mồm long móng; 4.400 liều vắc xin niu cát xơn. Công tác kiểm dịch xuất và nhập gia súc, gia cầm đuợc kiểm soát chặt chẽ đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng, đồng thời chuẩn bị giống lâm nghiệp trồng phân tán nhân dịp tết Nguyên đán với 86.790 cây. Khai thác gỗ các loại trong tháng đạt 2.512 m3, giảm 6,3% cùng kỳ năm trước, do công tác quản lý chặt chẽ, hạn chế việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; khai thác củi đạt 101.480 ste, giảm 1,9%.

Trong tháng xảy ra 27 vụ vi phạm lâm luật với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 139 triệu đồng, trong đó không xảy ra hiện tượng cháy rừng; chặt phá rừng 06 vụ với diện tích rừng thiệt hại 0,2 ha. So với cùng kỳ năm trước tổng số vụ vi phạm lâm luật tăng 8,0%; số tiền phạt vi phạm hành chính tăng 0,7%.

3. Thuỷ sản

Toàn tỉnh hiện có 2.701 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, 9.006 lồng bè nuôi trồng thủy sản với thể tích 761.156 m3. So với cùng kỳ năm trước diện tích nuôi trồng thuỷ sản giảm 0,1%, số lồng bè tăng 239,7%, thể tích tăng 233,8% do có chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng bè của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Sản lượng thuỷ sản tháng 01 ước tính đạt 736 tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng 641 tấn, tăng 10,3%, tăng chủ yếu ở sản lượng thuỷ sản nuôi lồng bè; sản lượng thủy sản khai thác 95 tấn, giảm 11,2%.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 61,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,9%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,6 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 113,8%; khai khoáng khác tăng 61,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 38,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 16,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,1%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 1,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 8,6%; sản xuất đồ uống giảm 22,0%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 01 ước tính tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xi măng tăng 113,8%; bia hơi tăng 56,2%; đá xây dựng các loại tăng 31,3%; đường tăng 21,7%; sữa chua, sữa và kem lên men hoặc axít hoá tăng 16,6%; sản phẩm in khác tăng 16,1%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 12,5%; mật đường tăng 11,4%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường và chất ngọt khác tăng 0,5%; điện sản xuất giảm 0,4% (trong đó Thuỷ điện Sơn La tăng 1,8%, thuỷ điện Huội Quảng giảm 11,0%); nước uống được giảm 1,4%; điện thương phẩm giảm 3,5%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 6,4%.

Các sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2018 tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,0 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 90,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 39,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 38,5%; in sao chép bản ghi các loại tăng 31,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,7%. Riêng sản xuất đồ uống giảm 15,7% so với cùng kỳ.

III. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 12/2017 toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 153.600 triệu đồng, giảm 40,0% về số doanh nghiệp và tăng 41,5% số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12.800 triệu đồng, tăng 135,8%. Trong tháng có 02 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, 05 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 80,0% và tăng 4,0 lần so với cùng kỳ năm trước.

IV. HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

1. Bán lẻ hàng hóa

Là tháng giáp Tết Nguyên đán nên thị trường hàng hóa thật sự sôi động, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết tăng đáng kể. Để thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; khuyến khích, động viên hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá Việt Nam, hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thành phố; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và tiêu dùng…

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 01 ước tính đạt 1.560.603 triệu đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại tăng 11,0%; hàng hoá khác tăng 10,5%; xăng, dầu các loại và đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 9,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 9,2%; các nhóm ngành hàng khác tăng từ 7,2% đến 8,6%.

2. Doanh thu hoạt động dịch vụ

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 01 ước tính đạt 440.554 triệu đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 11.887 triệu đồng, tăng 5,6% và tăng 8,9%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 138.761 triệu đồng, tăng 4,0% và tăng 10,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 412 triệu đồng, tăng 0,5% và giảm 69,1% (chủ yếu do công ty TNHH một thành viên Thương mại Sầm Nưa và công ty TNHH một thành viên Du lịch Chiềng Khoa hiệu quả kinh doanh thấp đã chuyển sang hoạt động ngành nghề khác); doanh thu dịch vụ khác đạt 289.494 triệu đồng, tăng 4,2% và tăng 7,0%.

3. Vận tải hành khách và hàng hoá

Trong tháng có dịp nghỉ Tết dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 nên nhu cầu đi lại và vận tải hàng hoá của người dân tăng đáng kể. Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông, tổ chức phục vụ vận tải hành khách trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018. Thành lập Ban chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng tham gia vận tải hành khách, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý người điều khiển phương tiện. Ban quản lý bến xe khách tỉnh phối hợp với các đơn vị vận tải và các đơn vị quản lý liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện thông qua bến; kiểm tra chặt chẽ giấy tờ phương tiện và người lái, tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe trước khi cho xuất bến. Các đơn vị tham gia vận tải hành khách trên các tuyến xây dựng kế hoạch tổ chức vận chuyển hành khách, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý giá cước vận tải, thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Đảm bảo an toàn giao thông tại các bến phà, bến đò ngang sông...

Vận tải hành khách tháng 01 ước tính đạt 303 nghìn lượt khách vận chuyển và 29.437 nghìn lượt khách.km luân chuyển, tăng 5,6% và tăng 6,7% so với tháng trước, trong đó vận tải hành khách đường bộ ước đạt 277 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 5,7% và 29.147 nghìn lượt khách.km luân chuyển, tăng 6,7%. Ước tính doanh thu vận tải hành khách tháng 01 đạt 25.937 triệu đồng, tăng 5,3%, trong đó doanh thu vận tải hành khách đường bộ 25.099 triệu đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa tháng 01 ước tính đạt 399 nghìn tấn vận chuyển, tăng 5,6% và 46.741 nghìn tấn.km luân chuyển, tăng 6,3% so với tháng trước, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 393 nghìn tấn, tăng 5,6% và 46.566 nghìn tấn.km, tăng 6,3%. Ước tính doanh thu vận tải hàng hóa tháng 01 đạt 135.039 triệu đồng, tăng 6,7%, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ 134.463 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 ước tính đạt 3.912 triệu đồng, tăng 8,6% so với tháng trước và 6,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3.855 triệu đồng, tăng 8,6% và 7,0%.

V. VỐN ĐẦU TƯ

Kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2018 ước tính 2.803.222 triệu đồng, tăng 17,6% so với năm 2017, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.148.722 triệu đồng, tăng 11,3%; cấp huyện 654.500 triệu đồng, tăng 44,0%. Tính đến ngày 16/01/2018 UBND tỉnh đã phân bổ được 2.720.482 triệu đồng cho các huyện, thành phố, các chủ đầu tư, đạt 97,0% kế hoạch năm.

Dự ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tháng 01 thực hiện 156.980 triệu đồng, bằng 5,6% kế hoạch năm và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 129.326 triệu đồng, bằng 6,0% và tăng 53,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 27.654 triệu đồng, bằng 4,2% và giảm 22,0%.

Thực hiện vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng đạt thấp so với kế hoạch do các đơn vị đang tập trung giải ngân, thanh toán các nguồn vốn năm 2017 và xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn cho từng công trình, dự án năm 2018. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2018, UBND các huyện, thành phố cần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tiếp tục rà soát, phân bổ kịp thời các nguồn vốn đã được UBND tỉnh giao. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư cần chủ động bám sát kế hoạch vốn được giao, nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định đối với các dự án có kế hoạch khởi công mới năm 2018; đối với các dự án chuyển tiếp cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án theo kế hoạch, thực hiện các thủ tục tạm ứng, giải ngân và thanh quyết toán theo quy định.

VI. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 01 trên địa bàn ước tính đạt 905.545 triệu đồng bằng 6,8% so với dự toán và giảm 35,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 402.545 triệu đồng, bằng 8,8% và tăng 68,2%; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 503.000 triệu đồng, bằng 5,7% và giảm 57,2%. Trong thu cân đối ngân sách nhà nước, thu nội địa ước đạt 400.000 triệu đồng, bằng 9,0% và tăng 97,0%; thu hải quan ước đạt 2.545 triệu đồng, bằng 7,1% và giảm 35,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 01 ước tính đạt 962.427 triệu đồng, bằng 7,3 dự toán năm và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và nhiệm vụ phát sinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cụ thể: Chi thường xuyên đạt 757.100 triệu đồng, bằng 8,5% và tăng 4,5%; chi đầu tư phát triển đạt 205.327 triệu đồng, bằng 13,3% và giảm 31,8%.

2. Thu chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng, tín dụng

Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng tháng 01 ước thực hiện 8.300 tỷ đồng, tổng chi tiền mặt ước thực hiện 9.400 tỷ đồng, bội chi 1.100 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tổng thu tiền mặt tăng 2,7%, tổng chi tiền mặt tăng 2,6%.

Dư nợ tín dụng ước đạt 29.800 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 13.400 tỷ đồng, tăng 26,1%; dư nợ trung dài hạn đạt 16.400 tỷ đồng, tăng 16,3%. Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay các đối tượng chính sách đến 31/12/2017 là 3.531 tỷ đồng, chiếm 11,8%; nợ xấu toàn địa bàn là 383 tỷ đồng, chiếm 1,3%.

Huy động vốn tại địa phương ước đến hết tháng 01 đạt 15.600 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm 11.900 tỷ đồng, tăng 20,4%; tiền gửi các tổ chức kinh tế 3.550 tỷ đồng, tăng 22,9%; tiền gửi giấy tờ có giá 150 tỷ đồng, tăng 110,2%.

VII. XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

1. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01 ước tính đạt 659,8 nghìn USD, giảm 43,1% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở mặt hàng ở mặt hàng chè và tơ tằm do vào cuối vụ thu hoạch, cụ thể: Xuất khẩu chè đạt 545,2 nghìn USD, giảm 44,1%; xuất khẩu tơ tằm đạt 104,0 nghìn USD, giảm 33,4%; riêng xuất khẩu lõi ngô ép đạt 10,6 nghìn USD, tăng 20,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 01 tăng 89,0%, chủ yếu do xuất khẩu chè tăng 68,4%; riêng xuất khẩu lõi ngô ép giảm 20,9%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu trong tháng: Đài Loan, Pakixtan, Apganixtan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

2. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01 ước tính đạt 2.590,0 nghìn USD, giảm 88,7% so với tháng trước, giảm chủ yếu do nhập khẩu phân bón đạt 240,0 nghìn USD và nhập khẩu cỏ anphapha đạt 100,0 nghìn USD, giảm 33,3%; riêng nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng khác đạt 2.250,0 nghìn USD, tăng 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01 tăng 141,2%, trong đó tăng cao nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng khác tăng 2,2 lần; nhập khẩu phân bón tăng 1,0%; riêng nhập khẩu cỏ anphapha giảm 23,7%.

VIII. CHỈ SỐ GIÁ

1. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2018 tăng 0,37% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,37%, khu vực nông thôn tăng 0,37%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, 08 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Giao thông tăng 1,40% (do mặt hàng xăng, dầu tăng 3,75% theo Quyết định điều chỉnh tăng giá xăng vào ngày 04 và ngày 19/01/2018 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, bình quân giá xăng tăng 785 đồng/lít, giá dầu tăng 885 đồng/lít); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,67%; may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,43% (do thời tiết rét đậm kéo dài, nhu cầu mua sắm hàng may mặc tăng cao); hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22% (giá lương thực tăng 0,76%, thực phẩm tăng 0,06%, ăn uống ngoài gia đình ổn định); hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16% (tăng cao ở mặt hàng rượu, bia); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,01% (do nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh tăng cao). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2018 tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tháng 02/2018 giá cả thị trường tăng.

2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 01/2018 tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước, giá vàng 99,99% bán ra bình quân trong tháng là 3.667.600 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước.

IX. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong tháng đời sống công chức, viên chức và người hưởng bảo hiểm xã hội ổn định, đời sống dân cư được cải thiện nhưng thiếu tính bền vững. Theo báo cáo của Chi cục Thống kê các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có 02/12 huyện xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt là huyện Mộc Châu và Yên Châu với 327 hộ và 1.325 nhân khẩu; những hộ thiếu đói chủ yếu là thiếu gạo, không có đói gay gắt; các hộ tự vay nhau để khắc phục thiếu đói.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh trao tặng 05 con bò giống cho 05 hộ nghèo có người khuyết tật tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Mường La trao tặng 64 con dê sinh sản cho 32 hộ trên địa bàn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tài sản, nhà cửa. Một số cơ quan, đơn vị, câu lạc bộ đã tổ chức các chương trình như: Xuân tình nguyện năm 2018, Ấm áp vùng cao 2018... trao hơn 1.700 suất quà, 100 suất học bổng cùng các hiện vật như chăn bông, quần áo, mì tôm... với tổng trị giá hơn 1.210 triệu đồng cho học sinh, nhân dân, người nghèo tại một số huyện. Tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 250 lượt người.

Trong tháng Sở Công thương đã xây dựng phương án triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhân dân. Dự ước giá trị hàng hoá tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất tăng khoảng 15-20% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với tết Nguyên đán Đinh Dậu, cụ thể số lượng một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như sau: 10.000 tấn gạo các loại (gạo nếp 3.500 tấn, gạo tẻ 6.500 tấn); 3.000 tấn thịt các loại (thịt lợn 1.500 tấn, thịt trâu, bò 500 tấn, thịt gia cầm 1.000 tấn); 1.000 tấn thuỷ hải sản các loại; 1.200 tấn rau các loại; 200.000 lít nước mắm, nước chấm các loại; 820 tấn trái cây; 75 tấn đỗ các loại; 600 tấn bánh, mứt, kẹo; 1.700.000 lít rượu, bia; 230.000 lít nước ngọt; 75.000 bao thuốc lá; 70 tấn chè, cà phê...

Nhân dịp Tết Nguyên đán các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đã tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cho các đối tượng chính sách, dự kiến trao tặng: 120 đối tượng là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng… mức quà 700.000 đồng; 1.620 đối tượng là thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất cơ bản hàng tháng, thương binh, bệnh binh người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 61% đến 80% đang hưởng trợ cấp hàng tháng mức quà 500.000 đồng; 2.100 đối tượng là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 60% đang được hưởng trợ cấp hàng tháng mức quà 400.000 đồng; 3.000 đối tượng xã hội lưu lại trong các cơ sở trong 04 ngày tết, gồm: Bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Viện Quân y 6, Bệnh viện Y học cổ truyền; học viên trong các Trung tâm giáo dục lao động, bệnh nhân tâm thần, trẻ mồ côi đang được điều trị, nuôi dưỡng tại các trung tâm xã hội... mức trợ cấp 200.000 đồng; các đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ em mồ côi... do xã phường, thị trấn xét, trợ cấp, mức trợ cấp tối đa không quá 200.000 đồng (kinh phí hỗ trợ các xã, phường, thị trấn để xét trợ cấp cho các đối tượng xã hội: 48 xã vùng I và phường, thị trấn mức tối đa 5 triệu đồng/xã; 57 xã vùng II mức tối đa 6 triệu đồng /xã; 99 xã vùng III mức tối đa 7 triệu đồng /xã).

Ban dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thăm tặng quà tết cho 50 người có uy tín là dân tộc thiểu số và 300 hộ dân tộc thiểu số nghèo với mức quà 400.000 đồng.

Các huyện, thành phố tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình đời sống dân cư, các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán, kết quả rà soát toàn tỉnh có 8.698 hộ, 36.435 nhân khẩu thiếu đói trong dịp Tết, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ với tổng số gạo dự kiến 779,145 tấn đảm bảo không có người dân nào không có Tết.

Trong tháng Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện các chương trình cho vay đối với 2.682 lượt hộ, tổng số tiền 72.793 triệu đồng. Tư vấn, hướng dẫn chính sách lao động, học nghề, việc làm và xuất khẩu lao động cho 216 lượt người; tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động tuyển chọn lao động, kết quả trong tháng có 07 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 02 lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc; chuyển đổi và tạo việc làm mới cho 1.850 lao động trên địa bàn.

2. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ năm học 2017 - 2018; tổ chức sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II.

Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT tại tỉnh Sơn La với 09 môn thi, 54 học sinh dự thi; tổ chức cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2017 – 2018 với 99 dự án đủ điều kiện tham gia cuộc thi cấp tỉnh, kết quả đạt 02 giải nhất, 04 giải nhì, 18 giải ba và 32 giải khuyến khích, lựa chọn 06 dự án tham dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Kiểm tra, thẩm định trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục, thư viện đạt chuẩn và trường đạt chuẩn quốc gia (đợt 2) năm học 2017 - 2018. Hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị giáo dục trực thuộc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục năm học 2018 - 2019.

3. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngành y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm, khống chế kịp thời các bệnh dịch, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, bệnh dại, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và và dịch tay chân miệng... Chủ động phun hoá chất diệt côn trùng theo kế hoạch cấp thuốc từ Trung tâm y tế dự phòng. Trong tháng xảy ra 01 vụ dịch quai bị với 21 ca mắc bệnh; 04 người nhiễm HIV, 02 trường hợp tử vong do AIDS; 78 trường hợp ngộ độc thực phẩm, không có tử vong.

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục triển khai các quy định mới về khám chữa bệnh BHYT; từng bước mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới. Trong tháng tổng số lượt khám bệnh tại các sở y tế là 117.826 lượt; số bệnh nhân điều trị nội trú 14.231 người; số bệnh nhân điều trị ngoại trú 69.733 người; số bệnh nhân chuyển tuyến 6.914 người, trong đó chuyển về Trung ương 313 người.

Các cơ sở y tế khám chữa bệnh trong toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn trước, trong và sau Tết; chủ động, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện tổ chức trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán và tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời; tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách...

Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực y tế.

4. Văn hóa, thông tin, thể thao

Tiếp tục tập trung tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong tháng phục vụ chiếu phim 321 buổi cho 125.000 lượt người xem; phục vụ 15.560 lượt khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh và các điểm di tích; thực hiện 29 cuộc giáo dục truyền thống thu hút trên 7.067 lượt giáo viên và học sinh tham gia; tổ chức biểu diễn tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân, biển đảo Việt Nam 04 buổi, phục vụ 4.000 lượt người nghe, xem; tổ chức Gameshow "Về bản em" tại xã Loong Luông, Chiềng Yên, huyện Vân Hồ.

Tổ chức thành công giải Quần vợt mừng Đảng - Mừng Xuân lần thứ 14 năm 2018. Thể thao thành tích cao được duy trì, củng cố và phát triển các đội tuyển tỉnh (37 VĐV), đội tuyển trẻ (49 VĐV).

Phát thanh tiếng phổ thông 93 chương trình, sử dụng 627 tin, bài, phóng sự, 103 chuyên đề, chuyên mục. Tiếng dân tộc 124 chương trình, sử dụng 670 tin, bài, phóng sự, gương người tốt, việc tốt, 100 chuyên đề, chuyên mục.

Truyền hình tiếng phổ thông thực hiện 277 chương trình, sử dụng 233 lượt chuyên đề, chuyên mục, 1.032 tin, bài, phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, gương người tốt, việc tốt, 31 trang truyền hình cơ sở. Tiếng dân tộc thực hiện 70 chương trình, sử dụng 554 tin, bài phóng sự, 34 lượt chuyên đề, chuyên mục.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018 với các hoạt động: Tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La và Lễ dâng hương đền thờ Vua Lê Thái Tông; tổ chức Tuần phim mừng Đảng - mừng Xuân; phòng đọc báo xuân Mậu Tuất 2018; Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI; tổ chức các chương trình nghệ thuật với nội dung ngợi ca Đảng, Bác Hồ, ngợi ca mùa xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; tổ chức đón khách tham quan các khu di tích, danh thắng trên địa bàn trước và trong Tết...

5. Công tác phòng chống ma tuý

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 2968 đến ngày 15/01/2018 toàn tỉnh có 8.751 người nghiện ma tuý đang trong diện quản lý, trong đó có 1.786 người đang cai nghiện tập trung tại các Trung tâm giáo dục lao động (1.734 trường hợp cưỡng chế, 17 tự nguyện, 35 hỗ trợ cắt cơn), 15 người đang quản lý tại cơ sở quản lý sau cai, 1.341 người đang điều trị bằng Methadone.

Trong tháng, toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ 137 vụ, 185 đối tượng; triệt xoá 12 điểm, 14 đối tượng có liên quan đến ma tuý; vận động, bắt 01 đối tượng truy nã về ma tuý. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 11 điểm, 63 đối tượng có biểu hiện bán lẻ, chứa chấp, tổ chức sử dụng ma túy ở 32 tổ, bản thuộc 17 xã, thị trấn.

6. An toàn giao thông

Trong tháng 01/2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm chết 06 người và bị thương 05 người; giảm 05 vụ với 05 người chết so với cùng kỳ năm trước.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông; tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách ngang sông và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; huy động và bố trí lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo TTATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông tại các địa điểm tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa xã hội, vui chơi, giải trí, tổ chức lễ hội trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018...

7. Thiện hại do thiên tai

Đầu tháng 01 trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại tại một số huyện (huyện Sông Mã, Sốp Cộp) gây thiệt hại đến sản xuất của nhân dân, cụ thể: Thiệt hại 90 con trâu, bò, ngựa; 25 con lợn. Ước giá trị thiệt hại 1.825 triệu đồng.

8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 40 vụ với 40 đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác cát trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nuôi nhốt động vật quý hiếm, hủy hoại rừng. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy với tổng giá trị thiệt hại 1.371 triệu đồng./.


Cục Thống kê tỉnh Sơn La

    Tổng số lượt xem: 1292
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)