(MPI) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về tổ hợp tác. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (Nghị quyết số 13/NQ-TW) đã khẳng định kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể, với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và hợp tác xã, từng bước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, hiện nay khi đa số hộ sản xuất kinh doanh nước ta có quy mô nhỏ, kém phát triển, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt thì việc liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên trong tổ hợp tác rất quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, tăng vị thế kinh tế, năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ. Thông qua các hình thức hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác xã, việc sử dụng nguồn lực của các hộ gia đình, đơn vị sản xuất nhỏ sẽ được tối ưu nhất, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Để tạo điều kiện cho tổ hợp tác hoạt động và phát triển, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005, Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tưhướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP.
Kết quả đánh giá về tình hình hoạt động của tổ hợp tác và thi hành Nghị định 151/2007/NĐ-CP của 50/63 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện có 78.306 tổ hợp tác (ước toàn quốc có khoảng 98.600 tổ hợp tác), trong đó có 36.104 tổ hợp tác có chứng thực (chiếm khoảng 46,1% tổng số tổ hợp tác), 2.930 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7% tổng số tổ hợp tác) và 191 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã), chiếm 0,2% tổng số tổ hợp tác.
Khu vực tổ hợp tác thu hút 1.285.106 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.091.015 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.
Tổ hợp tác với tư cách là tổ chức trung gian, kết nối giữa các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trước khi phát triển lên thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, là hình thức sản xuất rất phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là mô hình hợp tác không quá phức tạp, quy mô không lớn, tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tự nguyện. Mô hình này được hình thành trên cơ sở nhu cầu của các hộ kinh tế cá thể và người lao động, tạo thuận tiện trong việc liên kết, hợp tác với các thành viên và đủ điều kiện để áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, phù hợp với xu hướng phát triển chung và cũng là tiền đề, cơ sở cho phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng hình thức hợp tác giản đơn giữa các nhà sản xuất nhỏ như tổ hợp tác đặc biệt thích hợp với trình độ phát triển hiện nay ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của nông dân, bước đầu đã khắc phục được những khó khăn của từng hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực của kinh tế hộ, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn, cũng như thực hiện nhiệm vụ đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật và trung gian trong liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn…
Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác hoạt động, tuân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đồng thời, điều chỉnh quy định về tổ hợp tác cho phù hợp với những thay đổi mới trong Bộ Luật dân sự 2015, khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác (Bộ Luật dân sự 2005, Nghị định 151/2007/NĐ-CP, Thông tư 04/2008/TT-BKH). Tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác. Tạo địa vị pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp các tổ hợp tác khẳng định được địa vị và uy tín đối với thành viên hợp tác, đối với các đối tác. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình phát triển của tổ hợp tác để tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ hoạt động của tổ hợp tác.
Dự thảo Nghị định có kết cấu gồm 8 chương, 37 điều, điều chỉnh các vấn đề cơ bản của tổ hợp tác. Dự thảo đưa ra một số quy định mới, khắc phục hạn chế của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và hướng dẫn, quy định một số nội dung mới theo Bộ luật dân sự 2015.
Nếu dự thảo Nghị định được ban hành sẽ có tác động, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác đáng kể, qua đó có tác động lan tỏa về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,3 triệu hộ kinh tế thành viên và đời sống của hàng triệu người thuộc hộ gia đình thành viên, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân tổ hợp tác và của toàn bộ nền kinh tế./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư