Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2018-14:25:00 PM
Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
(MPI) – Ngày 29/6/2018, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Mai Phương (MPI)

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017 (quý I tăng 7,45%, quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%, khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm 2018 cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; Ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm 2017 nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 2,63 điểm phần trăm. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm 2017. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2017, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm, ngành vận tải, kho bãi tăng 7,67%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủysản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%, khu vực dịch vụ chiếm 41,82%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,25% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 15,06%; 32,75%; 41,82%; 10,37%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017, tích lũy tài sản tăng 7,06%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến tích cực. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét. Môi trường và điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức cao trở lại. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có điểm khởi sắc. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch còn thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì tốc độ tăng cao trong những tháng cuối năm. Chính sách bảo hộ ở một số nước, đặc biệt là Mỹ tiếp tục gia tăng sẽ là rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giá nông sản và tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương đã xây dựng để có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nhất là tín dụng cho tiêu dùng, chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ động phương án hấp thụ các luồng tiền từ kết quả cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn và kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Mỹ để ổn định lãi suất, tỷ giá.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế...

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018. Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo hướng thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm để tránh tác động tới chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước và tăng lạm phát kỳ vọng…

Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, có biện pháp giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp, thủy sản. Theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết gây ra, nhất là những vùng thường xuyên bị thiên tai như Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ ngư trường khai thác thủy sản, kiểm soát tốt nguồn gốc lâm sản, thủy sản xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất. Xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất đối với các sản phẩm như dệt may, da giày, hóa chất, thực phẩm, điện tử…, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế, quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2998
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)