Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/06/2018-01:08:00 AM
Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 25/6/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thu hút và chuyển giao công nghiệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, là khu vực phát triển năng động, ngày càng có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 326,3 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 6 tháng năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Đầu tư nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông… FDI đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, tạo nên giá trị xuất khẩu lớn. Ngoài ra, FDI góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh những thành công lớn rất đáng trân trọng, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số bất cập, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn phát triển mới đang đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển bền vững như: Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam chưa cao. FDI cũng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý chưa được như kỳ vọng, đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp còn có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm quy định về môi trường…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, việc chuyển giao công nghệ là rất cần thiết, quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là nước đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam, góp phần nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành… từ đó tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 02 khía cạnh tích cực lớn trong việc thu hút và chuyển giao công nghệ trong hoạt động FDI tại Việt Nam. Thứ nhất, thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Thu hút được một số công nghệ tiên tiến, hiện đại sản xuất ra các sản phẩm mới, mà trước đây Việt Nam chưa có. Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao với hình thức, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, như: cơ khí, chế tạo…

Thứ hai, do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập các thiết bị và dây chuyền công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng như: sản phẩm may mặc, giày da, thực phẩm. Đây có thể coi là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp. Thực tế có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên nhờ cách tiếp cận này.

Tuy nhiên, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi, chưa tạo được tác động lan tỏa từ FDI sang doanh nghiệp trong nước, chưa đáp ứng được sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Phân tích về thực trạng chuyển giao công nghệ, TS. Trần Toàn Thắng, Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh về năng suất nhưng cải thiện về công nghệ chưa nhiều. Điều này đúng cho cả doanh nghiệp trong nước và FDI. Những năm trở lại đây doanh nghiệp đã tích cực cải tiến công nghệ, tuy nhiên, doanh nghiệp FDI không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ ở Việt Nam chưa bền vững so với các nước xung quanh, tập trung vào giảm giá thành hơn là đưa ra sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có hoạt động R&D, tuy nhiên chi tiêu thực tế cho R&D không cao…Chuyển giao công nghệ chủ yếu dưới dạng mua thiết bị máy móc có kèm công nghệ và doanh nghiệp FDI mua nhiều hơn, không có sự khác biệt giữa quy mô doanh nghiệp, kênh chuyển giao chủ yếu qua các doanh nghiệp nội địa khác ngành.

Đánh giá tác động lan tỏa của FDI tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, tác động này chủ yếu đến từ liên kết xuôi và chuyển giao công nghệ nhờ liên kết xuôi. Qua 3 thập kỷ, lan tỏa từ chuyển giao công nghệ nhờ liên kết ngược vẫn còn yếu tức là chỉ có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân, do nhiều doanh nghiệp trong nước chưa liên kết sản xuất được với doanh nghiệp FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô, hạn chế khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của Việt Nam và chất lượng FDI.

Liên quan đến chính sách đối với hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước, chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân. Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ đánh giá về tình hình thu hút và thực trạng cũng như tác động lan tỏa của chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI trong thời gian qua, từ đó đưa ra những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam xác định thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu là một trong nhưng ưu tiên hàng đầu, như vậy Việt Nam mới bắt kịp với các nước trong khu vực./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2678
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)