(MPI) - Ngày 23/7/2018, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tiến độ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai tổng hợp ý kiến của 87 cơ quan trung ương và địa phương (gồm 37 bộ, ngành trung ương và 50 địa phương) với 597 ý kiến, trong đó, có 329 ý kiến liên quan đến Luật Đầu tư công. Tiếp thu 276 ý kiến, đạt 83,89% tổng số ý kiến liên quan đến Luật; Giải trình 24 ý kiến, bằng 7,29%; Không tiếp thu 29 ý kiến, bằng 8,81%.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đối với 5 vấn đề lớn của Dự án Luật, gồm: Những vấn đề chung, liên quan đến giải thích từ ngữ, phân loại dự án, lĩnh vực đầu tư công. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, đề xuất bãi bỏ quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở cấp trung ương để phân cấp cho bộ, ngành, địa phương; Điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; Các chương trình dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư; Kế hoạch giải ngân của dự án; Điều chỉnh chủ trương đầu tư... Về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án, trong đó, bổ sung trình tự, thủ tục đối với dự án quy hoạch, dự án chuẩn bị đầu tư. Về kế hoạch đầu tư công, trong đó, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công 03 năm cuốn chiếu cùng nội dung, trình tự, thủ tục kèm theo; Đổi mới cơ chế giao kế hoạch vốn nhằm tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh tiến độ giải ngân; Điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hằng năm; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công... Một số vấn đề khác như điều chỉnh các thuật ngữ cho phù hợp với các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai... Trên cơ sở 5 nội dung chủ yếu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cụ thể hóa thành một số nhóm vấn đề chính sách được sửa đổi, bổ sung.
Luật Đầu tư công được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí. Đây cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm cá nhân, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công và lựa chọn dự án đầu tư dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất thận trọng, công phu, thực hiện theo đúng quy trình trong xây dựng, bảo đảm các yêu cầu đề ra. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cũng như phối hợp với các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện Dự án Luật theo đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, xem xét và xử lý kiến nghị về việc cho phép đổi tên Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi), sau đó trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công hiện được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 106 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.../.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư