(MPI) - Ngày 11/7/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng phụ trách Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sỹ Guy Parmelin cùng Đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ và cho rằng, hiện mối quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn rất phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Thụy Sỹ trên tất cả các mặt. Đồng thời, ghi nhận và cảm ơn Thụy Sỹ đã dành khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong suốt những năm qua, góp phần giải quyết những thách thức và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Về thương mại hai chiều Việt Nam – Thụy Sỹ, năm 2018 đạt khoảng 900 triệu USD. Tính đến ngày 20/6/2019, Thụy Sỹ có 152 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,94 tỷ USD, xếp thứ 19/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vẫn đang còn hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị giữa hai nước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Guy Parmelin tại buổi làm việc. Ảnh: MPI
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự hỗ trợ từ Thụy Sỹ thông qua 3 dự án nhằm cải thiện thể chế về đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài và phát triển khu công nghiệp sinh thái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng và đánh giá cao hỗ trợ của Thụy Sỹ thông qua các dự án này, bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn lực, Thụy Sỹ đã hỗ trợ về tri thức, chia sẻ kinh nghiệm. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hợp tác hơn nữa của Thụy Sỹ đối với các vấn đề đang được thực hiện như hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với đầu tư nước ngoài, sau hơn 30 năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động này, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập và cần có sự điều chỉnh trong chính sách và mong muốn nhận được sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của các đối tác, trong đó có Thụy Sỹ. Để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cùng ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, Việt Nam đang xây dựng Luật PPP. Đây là bộ luật khó và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này, do vậy cần có sự tham gia, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 nhằm chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và mong nhận được sự tham gia của các chuyên gia quốc tế liên quan đến vấn đề này.
Về hợp tác thương mại và đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cụ thể để tăng kim ngạch thương mại hai chiều, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký kết. Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và Thụy Sỹ còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề được phía Thụy Sỹ quan tâm liên quan đến việc xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong gian đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến, Việt Nam sẽ chú trọng các nội dung như nhanh chóng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực và hiệu quả; tăng trưởng có chất lượng để đảm bảo tính bền vững (tăng trưởng có hiệu suất, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm); phát triển bền vững về xã hội và môi trường, tất cả vì mọi người dân và lấy người dân là trọng tâm phát triển;…
Về các đột phá phát triển, bên cạnh tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, nhân lực và hạ tầng, dự kiến Chiến lược sẽ xem xét bổ sung thêm nội dung đột phá mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Guy Parmelin cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp Đoàn, đồng thời đánh giá cao những nội dung được chia sẻ tại buổi làm việc. Bộ trưởng Guy Parmelin cho rằng, trong thời gian qua, hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và mang lại hiệu quả, như lĩnh vực cải cách thể chế nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, phát triển khu kinh tế. Đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thông qua việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và đảm bảo doanh nghiệp đầu tư thuận lợi, đóng góp cho đầu tư phát triển của hai nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hai nước cần tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác trong thời gian tới.
Bộ trưởng Guy Parmelin đánh giá cao việc Việt Nam đã nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đây là điều kiện tuyệt vời cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.
“Hai dự án đã thực hiện trong lĩnh vực năng lượng là ví dụ điển hình thành công cho hợp tác giữa hai nước và sẽ còn nhiều cơ hội để tiếp tục giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu kinh tế trong quá trình hoạt động của mình”, Bộ trưởng Guy Parmelin nhấn mạnh. Đồng thời bày tỏ vui mừng về những kết quả đạt được của Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu và SECO tài trợ.
Bộ trưởng Guy Parmelin khẳng định, Thụy Sỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như PPP, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khu công nghiệp, đào tạo nhân lực… Đồng thời cho rằng, việc thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo bước đà mới nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Thụy Sỹ.
Để đẩy mạnh hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, sau khi kết thúc buổi làm việc đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) về hợp tác phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Guy Parmelin, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo. Biên bản được ký bởi Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor.
|
Vụ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đại sứ Beatrice Maser Mallor trao đổi Biên bản ghi nhớ. Ảnh: MPI
|
Tại Biên bản ghi nhớ, các bên đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu và SECO tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện trong giai đoạn 2014-2019. Dự án đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ sở pháp lý cho KCN sinh thái và chuyển đổi các KCN thông thường thành các KCN sinh thái tại Việt Nam.
Đồng thời, các bên thể hiện ý định hợp tác xây dựng dự án “Chương trình KCN sinh thái toàn cầu - Việt Nam: Tác động ở cấp quốc gia”, với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển các KCN theo hướng bền vững được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế với sự hỗ trợ của thông qua Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn 2019-2023. Mục tiêu chính của việc hợp tác nhằm nâng cao tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp, đem lại lợi ích cho cộng đồng và tổng thể quốc gia.
Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra, được các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế và địa phương đánh giá cao. Trong đó, một số kết quả nổi bật như thể chế hóa được mô hình KCN sinh thái tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP làm cơ sở để xây dựng thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xây dựng được các tài liệu hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật, môi trường, xã hội đối với KCN sinh thái... Thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp... để sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; các giải pháp huy động vốn, tiếp cận nguồn tài chính. Nâng cao nhận thức cho các KCN, doanh nghiệp KCN, cộng đồng về phát triển KCN sinh thái, phát triển bền vững các KCN./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư