Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/07/2013-07:45:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2013
Báo cáo số 5440/BC-BKHĐT ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2013 (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ tháng 7/2013)
1. Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với tháng trước, đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013 đến nay, cụ thể: CPI tháng 3 giảm (âm) 0,19%; tăng 0,02% trong tháng 4; tiếp tục giảm 0,06% trong tháng 5/2013; tăng 0,05% trong tháng 6/2013 và tăng 0,27% trong tháng 7/2013. So với tháng 12/2012, CPI tháng 7/2013 tăng 2,68%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2004-2011[1]. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI còn ở mức khá cao: CPI tháng 7/2013 tăng 7,29%; bình quân 7 tháng tăng 6,81%.
Trong tháng 7, chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm giao thông, tăng 1,34% so với tháng trước; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,43%; các nhóm khác tăng nhẹ trong khoảng 0,03-0,31%. Lương thực là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa, giảm 0,3%; trong khi đó nhóm hàng thực phẩm, sau 4 tháng giảm liên tục, chỉ số giá đã tăng trở lại 0,18%. CPI tháng 7 tăng chủ yếu do: các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian gần đây; nhu cầu đi lại tăng trong các đợt thi tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học, cao đẳng; giá gas tăng và điều chỉnh tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức.
-Về xuất nhập khẩu: 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩuước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 43,96 tỷ USD, tăng 26,3%; khu vực trong nước tăng 1,6%.Tổng kim ngạch nhập khẩuước đạt 73,47 tỷ USD, tăng 15%; trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 41,33 tỷ USD, tăng 24%; khu vực trong nước tăng 5,2%.Nhập siêu khoảng 733triệu USD, bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Về thu - chi ngân sách nhà nước: lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2013, tổng thu NSNN ước đạt 381,72 nghìn tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán năm; tổng chi NSNNước đạt 483,63 nghìn tỷ đồng, đạt49,5% dự toán năm.
-Về đầu tư phát triển: giải ngân vốn FDI và ODA tiếp tục đạt khá
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và thực hiện trong những tháng gần đây tiếp duy trì mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiệnước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký ước đạt 11,91 tỷ USD, tăng 19,6%.
Giải ngân vốn ODA 7 tháng đầu năm ước đạt 2,55 t USD, đạt59,3% kế hoạch năm 2013.
Vốn đầu tư phát triển từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2013 ước đạt 83,55 nghìn tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch năm.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp,tiếp tục có những chuyển biến, tồn kho giảm dần, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I/2013 tăng 4,5%, Quý II/2013 tăng 6% và tăng 7% trong tháng 7/2013 so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, IIP tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: IIP ngành khai khoáng tăng 2%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,7%.
Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm dần kể từ đầu năm: tại thời điểm 01/7/2013 ước tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01/01/2013.
-Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: tính đến ngày 15/7/2013, cả nước gieo cấy được 1.155,2 nghìn ha lúa mùa, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh miền Nam đã gieo cấy được 2.196 nghìn ha lúa hè thu, tăng 4,8%. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong đó: nuôi trồng ước tăng 0,3%; khai thác ước tăng 3,5%.
- Về hoạt động thương mại và dịch vụ: tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 4,2 triệu lượt, tăng 5,9%. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 3,3% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa ước giảm 3,2%; vận chuyển hành khách ước tăng 4,6%; luân chuyển hành khách ước tăng 3,7%.
3. Về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và lĩnh vực xã hội khác
- Về giải quyết việc làm: trong 7 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 849,6 nghìn người, đạt 53,1% kế hoạch năm; trong đó: tạo việc làm trong nước khoảng 802,5 nghìn người, đạt 53% kế hoạch; xuất khẩu lao động khoảng 47,1 nghìn người, đạt 55,4%.
- Lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, như: hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn, lao động mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, lương cơ bản của cán bộ công chức; thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ cứu đói; trợ cấp xã hội; thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững; triển khai các chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo;...
- Về tai nạn giao thông và cháy nổ: trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 6.410 vụ, tăng 4,8%, làm chết 5.635 người tăng 4,9%, và bị thương 3.945 người giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là số vụ nghiêm trọng vẫn còn nhiều. Đã xảy ra 1.463 vụ cháy, nổ; trong đó: có 1.416 vụ cháy, làm chết 30 người, làm bị thương 90 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 531,1 tỷ đồng;xảy ra 47 vụ nổ, làm chết 34 người, làm bị thương 41 người,thiệt hại ước tính 1,727 tỷ đồng.
Đánh giá chung, trong 7 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngànhđã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt và đạt nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trong các ngành, lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những chuyển biến đáng kể tuy còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra;hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩumáy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụđầu tư và sản xuất kinh doanh có cải thiện; tỷ lệ nhập siêu thấp. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng tiếp tục những chuyển biến tích cực. Giải ngân vốn ODA và FDI thực hiện đạt khá. Hoạt động phát triển doanh nghiệp bước đầu đã có những cải thiện. Các chính sách về an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại trong những tháng cuối năm; lãi suất tuy giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn thấp; dư nợ tín dụng tăng chậm; tiến độ thu NSNN đạt thấp so với kế hoạch. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp./.


[1] So với tháng 12 năm trước, ngoại trừ năm 2012 tăng 2,22%, CPI tháng 7 các năm 2004-2011 dao động trong khoảng 3,22-19,78%.

File đính kèm:
KTXH000101.pdf

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 794
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)