Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 21 tháng 6 năm 2013.
I. BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG
1. Tình hình thế giới
Tình hình kinh tế thế giới trong hai Quý đầu năm 2013 đã có những bước chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn hồi phục chậm chạp và chưa chắc chắn. Xu hướng hồi phục không đều vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các khu vực. Theo thông tin chính thức được công bố cho thấy kinh tế Mỹ đã có bước tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2012, mặc dù vẫn thấp hơn so với những dự báo trước đó, tình hình việc làm cũng đã được cải thiện đáng kể, nhất là trong ngành công nghiệp chế tạo. Kinh tế Nhật Bản cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng ấn tượng nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, khi sản xuất công nghiệp liên tục tăng (tháng sau tăng cao hơn tháng trước). Trong khi đó kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ đầu năm 2013, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng tuy nhiên ở mức thấp, do đó các chuyên gia nhận định rằng đây là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mất dần động lực cho tăng trưởng thời gian tới. IMF và OECD mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2013 còn lần lượt là 7.75% và 7.8%. Một nền kinh tế mới nổi khác là Ấn Độ cũng không còn duy trì được đà tăng trưởng cao như những năm trước, cụ thể GDP Ấn Độ trong Quý I và dự báo cả Quý II năm 2013 chỉ đạt dưới 5% so với mức trung bình 8% của thập niên trước. Tình hình nợ công tại châu Âu vẫn tiếp tục là rào cản đối với sự hồi phục của kinh tế thế giới, khi các nước này thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chi tiêu của người dân giảm, thị trường xuất khẩu của các nước đang phát triển bị thu hẹp hơn. Sự phục hồi chậm chạp này của kinh tế thế giới cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều loại hàng hóa, nhiên nguyên liệu sụt giảm, như gạo, phân bón, đường, phôi thép…
2. Tình hình trong nước
Trong tháng 6, kinh tế vĩ mô nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Trước hết là các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố đúng hướng với những tín hiệu khả quan hơn. Nổi rõ là trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang chủ động điều tiết trên cơ sở kiểm soát thành công lạm phát từ đầu năm đến nay; lãi suất cũng đang trên đà giảm dần; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối đã tăng lên hơn 12 tuần nhập khẩu; xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 50 tỷ USD…
Đối với tình hình giá cả tiêu dùng, sau nhiều tháng tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước từ tháng 5 tốc độ tăng đã chậm lại (tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%, tháng 3 giảm 0,19%, tháng 4 tăng 0,02%, tháng 5 giảm 0,06%), tính cả 5 tháng đầu năm CPI tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2012.
Đối với sản xuất nông nghiệp, do thời tiết diễn biến khá thuận lợi, vụ lúa Đông Xuân ở miền Bắc và miền Nam năm nay đều được mùa, đạt năng suất cao (tăng 0,1% và 2,2% so với cùng kỳ năm 2012). Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi nước ta bước vào mùa mưa bão, cộng với tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn có nguy cơ lan rộng; trong khi giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới và trong nước tiếp tục có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất công nghiệp dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do sức mua của người dân chưa phục hồi, trong khi nguồn vốn vay vẫn còn ở mức lãi suất cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá vẫn đang tiếp tục trong lộ trình điều chỉnh tăng giá như giá vé tàu, than, dịch vụ y tế, giáo dục… Chính vì vậy, nhiệm vụ về đảm bảo cung cầu thị trường, đặc biệt là ngăn ngừa nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại trong những tháng cuối năm vẫn cần được nghiêm túc, quyết liệt thực hiện.
3. Tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các Bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với ngành thương mại, dịch vụ: các Bộ, ngành đã thực hiện các chương trình đẩy mạnh phát triển thương mại như tham gia và tổ chức các hội chợ thương mại ở nước ngoài và trong nước, đàm phán, kí kết các hiệp định hợp tác (đặc biệt là đối với gạo), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, khách hàng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai nghiên cứu và phối hợp các đơn vị liên quan để dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về kinh doanh xăng dầu, nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn giá, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho: tiếp tục thực thiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn…
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Phát triển các ngành dịch vụ
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,78% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ vận tải và kho bãi. Cụ thể như sau:
- Dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ (chiếm khoảng 15% trong cơ cấu khu vực dịch vụ) tốc độ tăng khoảng 4,62%, giảm 1,38 điểm phần trăm so với quý I (cao điểm mua sắm tiêu dùng đầu năm).
- Dịch vụ vận tải và kho bãi tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012
- Dịch vụ thông tin và truyền thông tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012
- Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,7%-7,8% so với cùng kỳ năm 2012
Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt khoảng 4,4-4,5 tỷ USD
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
1.2. Tình hình phát triển một số lĩnh vực dịch vụ.
a. Du lịch:
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình bệnh cúm gà bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, tình hình thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng đã gây tác động không nhỏ đến ngành du lịch. Mặc dù có những khó khăn nhất định, hoạt động du lịch đã sội động ngay từ những tháng đầu năm.
Toàn ngành du lịch triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch như: Lễ hội Đền Hùng, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2013-VITM 2013, Festival Nghề truyền thống Huế 2013, Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư 2013, Lễ hội làng Sen năm 2013 tại Nghệ An, triển lãm ảnh với chủ đề “Vẻ đẹp của cuộc sống, con người và đất nước Việt Nam - Nhật Bản”, lễ hội đền Suối Mỡ tại Khu du lịch Suối Mỡ tỉnh Bắc Giang, Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng.
Với chương trình kích cầu du lịch năm 2013 do Bộ VHTTDL phát động, một số chính chính sách tích cực nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: giá phòng khách sạn cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chặng bay nội địa đã được các hãng hàng không Việt Nam áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá vé,…. Những hoạt động này góp phần thu hút một lượng du khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan.
Trong tháng 6/2013: lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 567,291 nghìn lượt khách, bằng 101,5% so với tháng 5/2013 và tăng 29,9% so với tháng 6/2012. Trong đó, khách du lịch chủ yếu đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi tiếp theo đó là mục đích công việc, thăm thân nhân.
6 tháng đầu năm 2013, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, ước đạt khoảng 3,54 triệu lượt, tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Hầu hết thị trường trọng điểm khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 1,9%, Hàn Quốc tăng 4,3%, Indonesia tăng 21,5%, Malaixxia tăng 12,2%, Thái Lan tăng 24,3%, Anh tăng 1,9%, Nga tăng 60,4%, Úc tăng 7,3%, Niudilân tăng 16,7%.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do có đợt nghỉ kéo dài nên số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài và các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước khá lớn, đặc biệt là ở hai Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức đón khách quốc tế cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 5% so với tháng trước, khách du lịch đi bằng đường bộ giảm 12%, khách du lịch đi bằng đường biển tăng 5,7%.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2012, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2013. Số lượt khách du lịch nội địa 6 tháng ước đạt 16-17 triệu lượt tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 6 tháng đầu năm của ngành du lịch ước đạt khoảng 80 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2013, tại một số trung tâm du lịch vẫn còn xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn cho khách du lịch, trật tự vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, đặc biệt là tình trạng cướp giật, lừa đảo chặt chém khách du lịch, taxi dù, ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, xả xác, chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường,v.v....
Để giải quyết vấn nạn trên, ngành du lịch đã kiến nghị Chính phủ xem xét, thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, ngoài ra kiến nghị Chính phủ giao cho các địa phương tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tại các khu điểm du lịch.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
b. Dịch vụ viễn thông:
Số thuê bao điện thoại cả nước tháng 6đầu năm ước đạt 148 triệu thuê bao tăng 8%so với cùng thời điểm năm trước, trong đó cố định đạt 11 triệu máy. Số thuê bao sử dụng internet băng rộng trên cả nước ước đạt 4,3 triệu thuê bao, giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước.
(Nguồn: Bộ Bưu chính Viễn thông)
c. Vận tải:
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 440,2 triệu tấn, khối lượng luân chuyển đạt khoảng 84 triệu T.Km; sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 1.229,43 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 53.658 triệu HK.Km. So với cùng kỳ năm 2011 đạt 102,7% về vận chuyển hàng hoá 101% về luân chuyển hàng hoá 107% về vận chuyển hành khách và 103,7% về luân chuyển hành khách.
d. Dịch vụ phân phối – bán lẻ:
Mặc dù sức mua của người tiêu dùng chưa tăng nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng cường mở rộng hệ thống bán lẻ của mình. Trong những tháng đầu năm 2013, thị trường bán lẻ chứng kiến sự ra đời của đại siêu thị Co.op Xtra Plus tại quận Thủ Đức, TPHCM (liên doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và đối tác NTUC FairPrice (Singapore)). Big C Việt Nam khai trương liên tục hai siêu thị ở hai tỉnh phía Bắc là Ninh Bình và Phú Thọ.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
2.1 Xuất khẩu
6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu ước đạt 62,05 tỷ USD, tăng 16,1%so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 37,4 tỷ USD, tăng 28,3% và chiếm 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 41,1 tỷ USD, tăng 24,7%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,2%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 4,4 triệu tấn, tăng 3,4% về lượng và giảm 2% về kim ngạch; than đá ước đạt 7,8 triệu tấn, tăng 7,5% về lượng và giảm 14,7% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 97%; dệt may đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,8%; da giày đạt 4,1 tỷ USD, tăng 16,4%; gỗ và sản phẩm gỗ 2,4 tỷ USD, tăng 12%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 4,7 tỷ USD, tăng 39,3%; thuỷ sản 2,9 tỷ USD, tăng 0,3%; gạo gần 3,7 triệu giảm 4,2% về lượng và giảm 7,4% về kim ngạch; cà phê 804 ngàn tấn, giảm 23,4% về lượng và giảm 21,9% về kim ngạch; cao su 384 ngàn tấn, giảm 4,7% về lượng và giảm 19,5% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 6 tháng năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 18,5% và chiếm tỷ trọng 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 25,4% và chiếm tỷ trọng 18,7%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 17,7% và chiếm tỷ trọng 14,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản và Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng tương ứng là 10,4% và 9,7%.
2.2 Nhập khẩu
6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,7 tỷ USD, tăng 27,8% và chiếm 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 6,3%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 3,85 triệu tấn, giảm 22,1% về lượng và giảm 25,5% về kim ngạch; sắt thép 4,85 triệu tấn, tăng 27,8% về lượng và tăng 14,4% về kim ngạch; phân bón 1,9 triệu tấn, tăng 22,3% về lượng và tăng 12% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 8,5 tỷ USD, tăng 8,5%; máy tính và linh kiện 8,6 tỷ USD, tăng 52,3%; vải đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,5%; nguyên phụ liệu dệt may 1,9 tỷ USD, tăng 22,4%...
6 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 33,2%, tỷ trọng ước đạt 27,3%), ASEAN (tăng 5,3%, tỷ trọng 17,1%), Hàn Quốc (tăng 39,8%, chiếm tỷ trọng 15,9%), Nhật Bản (tăng 4,1%, chiếm tỷ trọng 8,8%) và EU (tăng 21,6%, chiếm tỷ trọng 7,5%).
2.3 Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 27,2% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 7% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 10,5%.
+ Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao: Điện thoại các loại và linh kiện (9,9 tỷ USD) đã vượt qua dệt may (8 tỷ USD) trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện đóng góp 99%; máy vi tính linh kiện và điện tử 98,2%; giầy dép 77,4%; hàng dệt may 60%; máy ảnh 99,6%.
+ Nhóm hàng nông sản, thủy sản: Các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là cà phê, gạo và cao su đều giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2012; nguyên nhân là do (i) Nguồn cung nguyên liệu không ổn định, (ii) Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, và (iii) Các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu.
- Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng chính 93,4% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 17,8%. Trong đó, Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 35,3%; nguyên nhiên vật liệu ước tăng 8,9%. Vật phẩm tiêu dùng tỷ trọng chiếm 6,6% và tăng 12%. Nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng mạnh do nhóm này bao gồm các mặt hàng điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, và các loại máy móc dụng cụ phụ tùng khác là các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao gồm điện thoại các loại và linh kiện 87%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 92%; vải các loại 61%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy 67%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục (kể từ năm 2010) và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2013 của cả nước tăng thêm 8,6 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 8,23 tỷ USD (đóng góp khoảng 95% kim ngạch tăng thêm); nếu tính cả dầu thô tăng 8,16 tỷ USD.
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng năm 2013 của khu vực FDI (không kể dầu thô) là 28,3% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (16,1%) của cả nước.
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 6 tháng năm 2013 của khu vực FDI là 27,8% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (17,4%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của cả nước tăng 9,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng gần 7,8 tỷ USD.
- 6 tháng năm 2013, cả nước nhập siêu 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 5,4 tỷ USD
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ)5 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 1.065.888 tỷ đồng, tăng 11,94% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 5 tháng đầu năm chỉ tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, tháng 6 tổng mức bán lẻ ước đạt khoảng 212,247 nghìn tỷ đồng, giảm 0,25% so với tháng 5, do không có nhiều ngày nghỉ lễ, cộng với thời tiết nắng nóng, tiêu dùng các mặt hàng lương thực thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình không tăng cao. Ước 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ đạt 1.275,414 tỷ đồng.
Tổng mức bán lẻ Quý I năm 2013 tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2012; dự kiến tổng mức bán lẻ Quý II năm 2013 tăng khoảng 11,94% so với cùng kỳ năm 2012.
Có thể nói tổng mức lưu chuyển hàng hoá 6 tháng đầu năm mặc dù có tăng trưởng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (thường trên dưới 20%). Trước tình hình này, nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp đã kiến nghị phải nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, khôi phục sức mua tiêu dùng của nền kinh tế.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 5 tháng đầu năm 2013 tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2012.
Một số yếu tố tác động tới CPI tháng 6 như: (1) giá cả nhiều nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới đã giảm mạnh thời gian qua; (2) Cung lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào trong khi cầu không tăng cao; (3) Hiện chưa có tỉnh, thành phố nào đăng ký tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 6 (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng lần lượt trong tháng 7 và tháng 9); (4) Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm trong khi tỷ giá không có biến động lớn.
Do vậy, dự báo CPI tháng 6/2013 của cả nước không tăng hoặc tăng nhẹ so với tháng 5.
CPI Quý I/2013 so với Quý I/2012 tăng 6,91%; ước Quý II/2013 tăng khoảng 6,7% so với Quý II/2012 và dự kiến CPI cả năm 2013 tăng từ 6-6,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Cho đến thời điểm này, có thể thấy lạm phát không phải là vấn đề quá lớn đối với Việt Nam trong năm 2013 trong bối cảnh giá cả hàng hoá cơ bản trên thế giới đang có xu hướng ổn định, thậm chí giảm, tổng cầu nền kinh tế còn yếu và kỳ vọng lạm phát nhìn chung ở mức thấp. Tuy nhiên, các Bộ, ngành địa phương vẫn cần kiểm soát chặt chẽ lộ trình tăng giá các mặt hàng, dịch vụ hiện có sự kiểm soát của nhà nước nhằm tránh các cú sốc về giá.
(Số liệu dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.3. Kết quả thực hiện của một số ngành hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Tháng 6/2013:
- Thế giới: 6 tháng đầu năm 2013 nền kinh tế các nước chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn, Số liệu sản xuất Mỹ tháng 5 yếu có tác động tới thị trường kéo giá trị đồng USD đi xuống, nâng giá dầu thô lên. Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2013, giá dầu thô WTI giao tháng 7 lên 93,74 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 28/5 và cao hơn mức dự báo giá dầu thô WTI trung bình năm nay của EIA vào 0,57 USD/thùng. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn tháng 7 tại sàn ICE giảm xuống 103,04 USD/thùng.
- Trong nước: Trong 6 tháng đầu năm, xăng dầu có 02 đợt điều chỉnh tăng giá vào ngày 28/3 (xăng tăng 1.400 đồng/lít; dầu tăng từ 350-800 đồng/lít tùy loại); ngày 14/6 (xăng tăng 420 đồng/lít, dầu diezel tăng 220 đồng/lít); 03 đợt điều chỉnh giảm giá vào các ngày 09/4 (xăng giảm 500 đồng/lít, dầu giảm 450 đồng/lít), ngày 18/4 (xăng giảm 410 đồng/lít, dầu giảm từ 100-200 đồng/lít tùy loại), ngày 26/4 (xăng giảm 310 đồng/lít, dầu giảm 100 đồng/lít) (Theo giá của tập đoàn Petrolimex).
b) Sắt thép
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ thép 5 tháng đầu năm 2013 của các thành viên đều giảm, lần lượt đạt 1,88 triệu tấn (Giảm 2,9% so với cùng kỳ 2012) và 1,9 triệu tấn (giảm 1,6% so với cùng kỳ 2012).
Về giá bán:
Trên thị trường thế giới, do nhu cầu yếu trong khi sản xuất ổn định, khiến cho cung vượt cầu, giá thép thành phẩm các loại, thép phế, phôi thép đều có xu hướng giảm. Do vậy, cùng với sự trầm lắng của ngành xây dựng trong nước, giá thép trong nước đều có xu hướng ổn định, và giảm trong những tháng gần đây. Ở thời điểm cuối tháng 5, giá bán lẻ thép ở các địa phương giảm từ 200.000 – 600.000 đồng/tấn.
Dự báo trong tháng 6, giá thép trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng giảm, cầu về thép trong nước không tăng, do vậy, giá bán lẻ thép xây dựng có khả năng ổn định.
c) Xi măng
Trái với xu hướng trầm lắng kéo dài của ngành thép, sản xuất xi măng mặc dù còn ở mức thấp, tuy nhiên cũng đã từng bước nhích lên. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, sản xuất xi măng ước đạt 20,56 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, do sự trầm lắng chung của ngành xây dựng, tiêu thụ xi măng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 19,45 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy có thể thấy hiện nay cung xi măng đang vượt cầu, do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt hơn hoạt động xuất khẩu.
Về giá bán: giá xi măng bán lẻ trong cả nước 5 tháng đầu năm khá ổn định (trong tháng 3, giảm khoảng 80.000 đồng/tấn). Giá xi măng bán lẻ tại miền Bắc cuối tháng 5 ở mức 1.100.000-1.500.000 đồng/tấn trong khi tại Miền Nam ở mức 1.600.000-1.800.000 đồng/tấn.
Dự báo trong tháng 6, sản xuất, tiêu thụ và giá cả mặt hàng xi măng tiếp tục ổn định.
d) Phân bón
Thị trường phân bón thế giới 5 tháng đầu năm có xu hướng khá trầm lắng do lượng tồn kho cao, giá nguyên liệu đầu vào thấp nên giá phân bón có xu hướng ổn định và giảm nhẹ.
Trong nước, tình hình tiêu thụ phân bón diễn biến theo mùa vụ sản xuất lúa. Hiện nay, nhu cầu phân bón cho Vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam đang tăng cao, tuy nhiên nguồn cung dồi dào nên giá cả phân bón cuối tháng 5 có xu hướng giảm nhẹ.
Dự báo trong tháng 6, do nhu cầu phân bón cho Vụ Hè Thu giảm dần, nguồn cung dồi dào, giá phân bón thế giới tiếp tục xu hướng giảm, giá phân bón trong nước có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ.
đ) Lương thực
- Thế giới:
Gạo 5% tấm tại các nước: Thái Lan giá chào gạo xuất khẩu hiện phổ biến ở mức 505-515USD/tấn, gạo Ấn Độ 440 - 450 USD/tấn, Pakistan 455-465USD/tấn, Việt Nam ở mức 375 đến 385 USD/tấn, giảm khoảng 7-10 USD/tấn.
Gạo 25% tấm: Thái Lan 480-490USD/tấn, gạo Ấn Độ 395-405USD/tấn, Pakistan 390-400USD/tấn, Việt Nam ở mức 355 đến 365 USD/tấn, giảm khoảng 7-10 USD/tấn.
Như vậy, giá lúa gạo thế giới tháng 6 và 6 tháng 2013 tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào từ các nước có nền nông nghiệp như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan …
- Trong nước:Hiện giá lúa gạo có xu hướng giảm nhẹ, phổ biến ở mức:
Đơn vị: đồng/kg
|
Lúa tẻ thường
|
Gạo tẻ thường
|
Phía Bắc
|
7.000 - 7.500
|
12.000 - 14.000
|
Phía Nam
|
5.300 - 5.600
|
7.500 - 8.000
|
- Về xuất khẩu gạo: Ước xuất nhập khẩu gạo cả nước 6 tháng 2013 đạt 750 nghìn tấn, giá trị khoảng 330 triệu USD. Ước xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 3,669 triệu tấn gạo, đạt giá trị khoảng 1,626 tỷ USD. Giảm 4,2% so cùng kỳ về lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. (Số liệu ước của Vụ KTDV)
e) Thực phẩm
+ Giá các loại thực phẩm: Tháng6/2013 giá thực phẩm tiếp tục ổn định, mặc dù bước vào dịp nắng nóng, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân cả ba miền, nhưng giá các loại thực phẩm không có hiện tượng tăng đột biến hoặc sốt giá ảo, do thực hiện tốt việc kiểm soát giá của các cơ quan chức năng và chương trình bình ổn giá được các cơ quan, doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả.
+ Giá rau, củ, trái cây: Tháng 6/2013, do thời tiết nắng nóng trở lại nên sức mua các mặt hàng rau củ tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ so với Hà Nội. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/mớ các loại rau xanh, cà rốt tăng 6.000 đồng, lên 24.000 đồng/kg, đặc biệt, mặt hàng chanh tươi có nơi bán với giá lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tại Hà Nội giá các loại rau củ quả ổn định, riêng dưa hấu, dưa lê và mướp đắng tại một số chợ đầu mối giảm từ 5.000 – 10.000đ/kg do nguồn cung lớn.
3.4. Nhận xét
a) Một số kết quả đạt được:
- Thị trường trong nước đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, tính cạnh tranh được nâng lên, nhờ đó các loại hàng hóa phong phú, đa dạng hơn, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cơ bản của nhân dân.
- Cơ chế chính sách điều hành các ngành hàng trọng yếu đã được dần hoàn thiện theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, cung – cầu, giá cả dần được điều tiết theo quy luật thị trường có sự quản lý, định hướng của nhà nước.
- Các chương trình kích thích tiêu dùng tiếp tục được thực hiện, phần nào kích thích được tiêu dùng nội địa như chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội chợ quốc tế Việt Nam Expo….
b) Tồn tại chủ yếu
Có thể thấy, điểm nổi bật của tình hình thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2013 là sức mua thị trường yếu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ sau tháng 1 liên tục giảm và chỉ tăng ở mức dưới 1% trong tháng 4 và tháng 5(Ước tháng 6 tổng mức cũng tăng ở mức dưới 1%).
Dân số nước ta đứng thứ 14 trên thế giới với trên 92 triệu dân, cho thấy một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam từng được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á và trên thế giới: Năm 2007, Việt Nam xếp thứ 4 trong số những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới do hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney công bố bởi Việt Nam đạt được bước tiến ấn tượng trong năm nay là nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, thể chế chính sách đang cải tiến theo hướng thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt là nhu cầu của người tiêu dùng về những mô hình bán lẻ hiện đại. Đến năm 2008, trong báo cáo thường niên của hãng này về chỉ số phát triển mảng kinh doanh bán lẻ (GRDI) trên toàn cầu, Việt Nam soán ngôi vị số một của Ấn Độ, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2011, Việt Nam rớt 9 bậc xuống thứ hạng 23 trong tổng số 30 nền kinh tế mới nổi được khảo sát. Có thể thấy, sự kém phát triển của hạ tầng thương mại, sự sụt giảm sức mua của người dân chính là nguyên nhân của việc thị trường bán lẻ nước ta ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Một số nguyên nhân dẫn đến sức mua yếu của thị trường trong nước:
- Thu nhập của người dân giảm sút do tình hình kinh tế khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp phá sản, cắt giảm nhân công, cắt lương, thưởng của người lao động diễn ra hết sức phổ biến. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sức mua của người dân giảm sút so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc sức mua của nền kinh tế giảm cũng là yếu tố cản trở phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta trong điều kiện hiện nay. Kinh tế chậm phục hồi, tình trạng doanh nghiệp phá sản tiếp diễn, thu nhập người dân tiếp tục giảm, sức mua giảm theo… từ đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn mà nhà nước cần có các công cụ về chính sách để tháo gỡ.
- Mặc dù, trong một vài tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, tuy nhiên mặt bằng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng so với năm trước, khiến cho tiêu dùng của người dân càng thu hẹp.
- Hệ thống phân phối trong nước còn nhiều yếu kém, lạc hậu và manh mún, chưa có nhiều các nhà phân phối quy mô lớn, hạn chế khả năng phát triển của thị trường. Giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao do qua nhiều tầng trung gian, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, phương thức phục vụ còn chưa văn minh, hiện đại, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.
c) Tồn tại, hạn chế khác:
- Công tác quản lý thị trường còn hạn chế, hiện tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng còn phổ biến; việc giám sát, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập.
- Công tác thu thập, xử lý thông tin dự báo còn chậm, chưa chính xác, các đề xuất cơ chế chính sách chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân:
- Công tác quy hoạch ngành và vùng còn chưa có sự phối kết hợp hiệu quả, dẫn đến sự chồng chéo trong quy hoạch, đặc biệt là đối với hệ thống hạ tầng thương mại tại các địa phương.
- Công tác điều hành, dự báo chưa có hệ thống, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa được quy định rõ ràng, còn bị động.
- Các chính sách hỗ trợ đưa ra còn có độ trễ, các thủ tục chưa thực sự đơn giản, dẫn đến tình trạng là một số đối tượng khó tiếp cận nguồn hỗ trợ. Các chính sách đưa ra chưa tính hết đến các tình huống có thể xảy ra, do vậy khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong khi đó việc thu thập thông tin và tìm ra biện pháp xử lý còn chậm và bị động.
- Lực lượng quản lý thị trường còn hạn chế cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong khi đó chế tài xử lý vi phạm còn chưa thỏa đáng.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
1. Về dịch vụ
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2013, khả năng tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu như đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP gặp nhiều khó khăn. Trong những tháng tiếp theo, Chính phủ cần cân nhắc đến những giải pháp nhằm tăng sức mua của xã hội song song với việc đẩy nhanh hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Cần tạo lập niềm tin cho doanh nghiệp và người dân vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, có như vậy mới khai thông dòng vốn đầu tư của khu vực tư nhân từ các khoản tiết kiệm nhàn rỗi và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2013.
1.1 Giải pháp chung
a) Triển khaiChương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 tập trung vào việc hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện CTHĐ của Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.
b) Hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách phát triển khu vực dịch vụ:
- Rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến dịch vụ nhằm bảo đảm tránh chồng chéo và phù hợp với các hiệp định quốc tế về dịch vụ.
- Xây dựng và thông qua hoặc điều chỉnh Chiến lược, quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ quan trọng
- Triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chí phân loại và tiêu chuẩn dịch vụ.
d) Nâng cao vai trò của nhà nước trong quản lý phát triển dịch vụ song hành cùng việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dịch vụ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới.
e) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực dịch vụ năng động, hiện đại
- Hình thành và tổ chức hiệu quả thị trường lao động; giải quyết tốt vấn đề sử dụng lao động từ quan niệm, chế độ, quyền lợi…
- Phát triển mạng lưới dịch vụ giáo dục đào tạo rộng khắp với sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp các dịch vụ này.
- Có các biện pháp, chính sách, đảm bảo thông tin thúc đẩy việc đào tạo các kỹ năng cơ bản trong việc sáng lập, quản lý và vận hành các hoạt động dịch vụ, các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…
- Thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đào tạo thường xuyên do bản chất năng động, luôn biến đổi của khu vực dịch vụ.
- Có chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho nhân lực trong nước.
f) Nâng cao năng suất, thúc đẩy cạnh tranh và tiếp tục mở cửa khu vực dịch vụ
- Tiếp tục cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không hoạt động trong các thị trường mang tính độc quyền tự nhiên hoặc lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc dịch vụ công thuần túy.
- Đưa các doanh nghiệp và các đơn vị khác do Nhà nước sở hữu vào diện điều chỉnh của các quy định mua sắm Chính phủ đối với dịch vụ.
- Có chính sách thực hiện mua các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các dịch vụ khác thông qua đấu thầu cạnh tranh. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
- Xây dựng lộ trình nhằm dần loại bỏ các rào cản pháp lý đối với khu vực dịch vụ, phù hợp xu thế kinh tế thị trường hiện đại và mức độ khu vực hoá và toàn cầu hoá ngày càng cao.
g) Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ thông qua việc:
- Cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài đến Việt Nam;
- Cung cấp dịch vụ cho các phương tiện nước ngoài tạm thời quá cảnh qua Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu thông qua việc phát triển các phương tiện vận tải hàng không và đường thủy; Nâng cao năng lực bảo hiểm và tài chính cho thương mại.
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ điện tử của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài; Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ lao động tạm thời của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài;
- Khuyến khích mạnh mẽ hơn đầu tư ra nước ngoài trong khu vực dịch vụ. Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài thông qua công ty Việt Nam ở nước ngoài (nhằm hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, kiến trúc, giải trí, nhà hàng, v.v…).
h) Giải pháp về nguồn lực:
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khu vực dịch vụ, trong đó tập trung cho các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên hoặc được xác định là trọng điểm như trên, có thể được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và (hoặc) hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu.
- Thực hiện ưu tiên sử dụng ODA phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực dịch vụ.
- Xây dựng chính sách huy động nguồn lực của khu vực tư nhân; mở rộng thu hút đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn phục vụ phát triển dịch vụ.
- Triển khai thực hiện mô hình Hợp tác Công – Tư (PPP) trong cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ công.
i) Thực hiện các giải pháp về kích cầu về dịch vụ thông qua việc đặt hàng các nhà cung cấp dịch vụ trung gian tư nhân, áp dụng thuê mua dịch vụ đối với hoạt động mua sắm Chính phủ. Xây dựng mối liên kết giữa dịch vụ khách sạn nhà hàng, vận tải, vui chơi, giải trí,v.v….
1.2. Các lĩnh vực dịch vụ cụ thể
a. Du lịch.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hoa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013 cho các doanh nghiệp du lịch và thương mại dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013,
- Áp dụng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi, khích lệ khách du lịch tăng cường mua sắm tại Việt Nam.
- Các địa phương chủ động đưa ra chính sách biện pháp kích cầu như bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch, tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch lưu thông trong và ngoài đô thị; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt giảm tối thiểu tình trạng cướp giật, lừa đảo khách du lịch ở các trung tâm du lịch, điểm du lịch.
b. Dịch vụ vận tải.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải.
c. Dịch vụ bưu chính viễn thông.
- Nâng cao công tác quản lý chất lượng dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông minh bạch và bền vững. Trong đó, tập trung quản lý khuyến mại, thuê bao trả trước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin, giá trị gia tăng, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh và hiệu quả.
- Đẩy mạnh xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông nhằm đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực này.
- Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông
2. Về xuất nhập khẩu
2.1 Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
2.2 Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3.Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP và 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
- Tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai nhiều chương trình trong khuôn khổ của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hoá về nông thôn... nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp,tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chương trình đưa hàng hóa về nông thôn, một mặt đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân (người dân ở nông thôn có tích lũy, tiết kiệm nhưng ít có điều kiện tiếp xúc với các hàng hóa có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã chủng loại, hàng Việt Nam chất lượng cao... ), mặt khác sẽ giúp doanh nghiệp giảm được hàng tồn kho, thu lại được vốn, quay vòng cho sản xuất kinh doanh.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm.
- Các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động cùng với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh.
- Triển khai chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm. Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ. Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo ổn định cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân, không để giá cả tăng đột biến vào các dịp cao điểm.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ban hành để có cơ chế về giá bán phù hợp trong thời gian tới.
- Tăng cường công tác nghiệp vụ, chuyên môn về dự báo và phân tích, đánh giá, nhận định thị trường về giá dầu thô thế giới.
- Ưu tiên bảo đảm nguồn cung theo nhu cầu của các nhà mày lọc dầu trong nước phục vụ cho sản xuất.
- Tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ được giao trong các Quy hoạch về hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối xăng, hệ thống dự trữ xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025 cho phù hợp với tình hình mới.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
- Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài.
d) Xi măng
- Rà soát quy hoạch ngành xi măng, nhằm đảm bảo cân bằng cung – cầu, ổn định giá bán, không để tình trạng mất cung vượt cầu quá lớn gây lãng phí tài nguyên của đất nước, gây ô nhiễm môi trường trong khi xuất khẩu chưa thực sự hiệu quả.
đ) Lương thực, Thực phẩm
- Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong dân.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soátcác cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo hướng mở rộng đối tượng và địa bàn ưu đãi nhiều hơn so với ưu đãi hiện hành.
- Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh gói tín dụng theo Quyết định 1149/2012/QĐ-TTg ngày 8/8/2012 của Thủ tướng, giúp người chăn nuôi có thể vay được vốn ưu đãi, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần hoặc 100% lãi suất tín dụng tối thiểu với thời hạn vay khoảng 2 năm để người chăn nuôi có cơ hội đầu tư khôi phục sản xuất.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng...), nhân rộng điểm bán hàng bình ổn giá trên phạm vi cả nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia hưởng ứng chương trình, đặc biệt là hưởng ứng tích cực“Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động./.
File đính kèm: BCKT dichvuT6.13.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư