Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 7 năm 2013
1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012
Sản xuất nông nghiệp
Giá cả đầu vào sản xuất tăng và giữ ở mức cao nhưng giá nhiều loại nông sản, thực phẩm giảm do nhu cầu trong nước giảm và thị trường xuất khẩu giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 là đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, đồng thời theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.
Lúa Mùa: Tính đến 15/7/2013, cả nước đã gieo cấy được 1155,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 107,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 972,3 nghìn ha, bằng 110,3% do thu hoạch lúa vụ Đông Xuân sớm hơn cùng kỳ và thời tiết thuận lợi; các địa phương phía Nam gieo cấy 183 nghìn ha, bằng 95,2% cùng kỳ năm trước.
Lúa hè thu: Tính đến ngày 15/7, cả nước đã gieo cấy được 2196 nghìn ha lúa hè thu, bằng 104,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1752,5 nghìn ha, bằng 104,2%; Hiện trà lúa Hè thu sớm đang giai đoạn chín cho thu hoạch, trà lúa Hè thu muộn ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, phát triển tốt. Tính đến nay, các tỉnh vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 784,4 nghìn ha lúa Hè thu, tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung năng suất lúa Hè thu sớm đạt khá (dự ước 53tạ/ha), trà lúa chính vụ do thời tiết không thuận vào thời vụ thu hoạch nên năng suất bình quân toàn vụ dự ước chỉ đạt 52 - 53 tạ/ha, giảm 0,5 – 1,5 tạ/ha so cùng kỳ.
Lúa thu đông: Tính đến trung tuần tháng 7, đã có 345,1 nghìn ha lúa Thu đông được gieo trồng, tăng 31,7% so cùng kỳ. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, gần 17 nghìn ha lúa Thu đông bị trôi, chết phải gieo xạ lại, làm chi phí tăng lên ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nông dân. Cùng với đó là dịch bệnh có xu hướng gia tăng.
Về tiêu thụ lúa gạo: Giá xuất khẩu vẫn thấp, giá FOB giảm gần 22 USD/tấn so với cùng kỳ. Thị trường gạo thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: thị trường nhập khẩu gạo tập trung chưa rõ, các nước nhập khẩu có xu hướng giảm nhập và tăng sản xuất trong nước. Về lâu dài, nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn thiếu, nhưng trong ngắn hạn ở từng vùng, từng khu vực, từng nước vẫn có những biến động về tăng nguồn cung và giá gạo giảm.
Gieo trồng các loại rau, màucũng được được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 901,4 nghìn ha ngô, bằng 108% cùng kỳ năm trước; 109,2 nghìn ha khoai lang, bằng 103,3%; 85,1 nghìn ha đậu tương, bằng 110%; 187,2 nghìn ha lạc, bằng 102,7%; 715,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 105,1%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò không biến động nhiều, dịch bệnh lớn không xảy ra. Ước tính tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 2,5%; bò giảm 3% so với cùng kỳ năm 2012.
Chăn nuôi lợn đang bắt đầu khôi phục do giá lợn hơi có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây nhưng số hộ đầu tư tái đàn vẫn chưa nhiều do mức tăng giá còn thấp và lo ngại thị trường bấp bênh. Dịch lợn tai xanh đã được khống chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp do thời tiết đang trong mùa mưa bão, môi trường ẩm ướt nên có nguy cơ bùng phát cao. Ước tính tổng số lợn của cả nước giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Chăn nuôi gia cầm: Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế, tình trạng nhập lậu gia cầm từng bước được kiểm soát và giá bán sản phẩm gia cầm đã tăng và ổn định hơn so với những tháng trước đây. Mặc dù giá bán sản phẩm gia cầm có cũng đã có chiều hướng. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước giảm khoảng 2% so với cùng kỳ.
Lâm nghiệp
Trong kỳ, do điều kiện thời tiết thuận lợi, có mưa nhiều, mặt khác đang vào thời vụ trồng rừng nên các địa phương khu vực Bắc bộ và Trung bộ đẩy mạnh công tác trồng rừng mới; diện tích rừng trồng tập trung tháng bảy ước tính đạt 33 nghìn ha, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 16,5 triệu cây (+0,6%); sản lượng gỗ khai thác 396 nghìn m3 (+4,2%); sản lượng củi khai thác 2,39 triệu ste (+1,8%).
Tính chung bảy tháng đầu năm 2013, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 99,1 nghìn ha, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2012; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 127,8 triệu cây (+2,2%); sản lượng gỗ khai thác 2806,6 nghìn m3 (+6,8%); sản lượng củi khai thác 17,29 triệu ste (+2%).
Trong thời gian cuối tháng sáu, đầu tháng bảy, do thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, khô hạn nên còn xảy cháy rừng ở một số tỉnh thuộc khu vực Trung bộ; diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng bảy ước tính là 46,4 ha bao gồm: Diện tích rừng bị cháy 39,5 ha; diện tích rừng bị chặt phá 6,9 ha. Tính chung bảy tháng diện tích rừng bị thiệt hại là 1401,4 ha, giảm 38,8% so cùng kỳ năm 2013; trong đó: Diện tích rừng bị cháy 884,5 ha (giảm 46,9% so với cùng kỳ); diện tích rừng bị chặt phá 516,5 ha (giảm 17,2% so với cùng kỳ).
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Bảy ước đạt 546,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 385,4 nghìn tấn, tăng 1,6 %; tôm đạt 108,2 nghìn tấn, tăng 6,9%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính 354,4 nghìn tấn, tăng 3%, trong đó cá đạt 234,9 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 98,7 nghìn tấn, tăng 7,5%.
Tình hình nuôi tôm nước lợ phát triển, các địa phương đang vào vụ thu hoạch chính. Dịch bệnh trên tôm nuôi có xảy ra nhưng gây thiệt hại không nhiều so với năm trước do người nuôi được sự hướng dẫn sát sao trong việc tuân thủ lịch thả nuôi, kiểm soát chất lượng con giống, kịp thời xử lý mầm bệnh không để lan ra diện rộng nên sản lượng thu hoạch tăng khá cao.
Nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ nông dân sản xuất thiếu vốn, giá đầu vào tiếp tục tăng trong khi đầu ra sản phẩm, thị trường và giá cả không ổn định, sản xuất liên tục bị lỗ, từ đó nhiều hộ không còn khả năng đầu tư nuôi. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng tiếp tục giảm: An Giang (-8%); Cần Thơ (-8,5%); Bến Tre (-5,2%); Vĩnh Long (-65%)... Tuy nhiên, nuôi các loại cá khác như cá lóc, cá rô phi, diêu hồng... thu hoạch được khá nên tổng sản lượng cá nuôi vẫn tăng so cùng kỳ.
Khai thác thuỷ sản
Khai thác thủy sản tháng Bảy ước đạt 191,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ, trong đó cá đạt 150,5 nghìn tấn, tăng 2,7 %; tôm đạt 9,5 nghìn tấn, tăng 1,1%. Tuy nhiên, ngư trường Biển Đông bị tranh chấp, các tàu nước ngoài cản trở đã làm cho khai thác biển bị ảnh hưởng, một số tàu ở các tỉnh khu vực Duyên Hải miền Trung phải nằm bờ.
Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3282,9 nghìn tấn, tăng 1,7%, trong đó cá đạt 2494,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 370 nghìn tấn, tăng 4%. Sản lượng nuôi trồng đạt 1779,5 nghìn tấn, tăng 0,3%, trong đó cá đạt 1356,2 nghìn tấn, giảm 1,1%; tôm đạt 280,5 nghìn tấn, tăng 4,5%. Khai khác đạt 1503,4 nghìn tấn, tăng 3,5 %, trong đó khai thác biển đạt 1400,7 nghìn tấn, tăng 3,6%.
2.Công tác chỉ đạo, điều hành:
Những khó khăn thách thức nêu trên, về cơ bản đã được dự báo từ đầu năm nên Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đãchủ động có nhiều giải pháp ứng phó, khắc phục như bốtrí lại diện tích, cơ cấu câytrồng, mùa vụ để phòng chống hạn, xâm nhập mặn; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, tăng tín dụng, hạ lãi suất, gia hạn nợ, cho vay mới để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất... Đồng thời, Chính phủ có quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp mua tạm trữ 1triệu tấn quy gạo vụ đông xuân sớm hơn một tháng, nhằm tạo điều kiện để nông dân chủ động lựa chọn thời điểm bán lúa thích hợp, tránh bị ép giá; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc mua tạm trữ, góp phần nâng giá mua lúa tăng thêm từ 100-150 đồng/kg.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xử lý các vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đã chủ trì liên tiếp 3 hội nghị giữa các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị về hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ lúa, thủy sản, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất và khắc phục thiên tai: Thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-TTg về hỗ trợ và bảo vệ đất lúa: gần 3.300 tỷ đồng; chống hạn: 820,7 tỷ đồng; bù lãi suất mua tạm trữ lúa gạo; xuất hóa chất khử trùng, vắc xin phòng chống dịch bệnh từ nguồn dự trữ quốc gia...
3. Một số giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn của sản xuất và tiêu thụ nông sản
- Tiếp tục kinh phí hỗ trợ từ NSTW cho các địa phương thực hiện các công trình cấp bách nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phòng chống lụt bão: các công trình thủy lợi, đê kè, các công trình đảm bảo an toàn hồ đập…
-Tiếp tục thực hiện các giải phápchống buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế dịch bệnh truyền lây qua biên giới.
-Tăng cường nghiên cứu thị phát triển thị trường; tích cực và chủ động đàm phán, trao đổi với các nước để gỡ bỏ các rào cản về thương mại.
-Đềcao và tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, đảm bảo các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và cùng có lợi.
-Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, chủ động cung cấp, trao đổi thông tin để các cơ quan thông tin đưa tin chính xác, tạo dựng và củng cố lòng tin về thị trường và sản phẩm Việt Nam.
-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước bảo đảm vốn tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số1149/TTg-KTNngày 08 tháng 8 năm 2012 về chính sách đối với chăn nuôi, thủy sản và Thông báo số418/TB-VPCPngày 21 tháng 12 năm 2012 về việc giải quyết khó khăn đối với sản xuất, tiêu thụ cá tra và tôm; đồng thời tiếp tục xem xét hạ lãi suất xuống mức 8-10%, tăng mức vay, gia hạn thời gian vay.
-Xem xét miễn giảm thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi và thủy sản, góp phần hạ giá thành sản phẩm; đồng thời có biện pháp để kiểm soát giá thức ăn, bảo đảm người sản xuất chăn nuôi, thủy sản được hưởng lợi khi có điều chỉnh về thuế VAT.
- Tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước mắt đẩy nhanh tiến đội xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sớm ban hành chính sách khuyến khích liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn./.
File đính kèm: BCKTNongnghiep T7.13.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư