(MPI) – Đây là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) APEC lần thứ 25 diễn ra ngày 05/9/2019 tại Concepcion, Chile. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị và có bài phát biểu.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới nói chung và APEC nói riêng đã và đang phát triển mạnh mẽ với vai trò ngày càng tăng của tri thức và công nghệ. Mô hình phát triển cũ dựa trên khai thác nguồn tài nguyên sẵn có là không hiệu quả và thiếu bền vững. Do đó, các nền kinh tế APEC thực sự cần tìm kiếm động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ mới để tạo ra cuộc sống thịnh vượng hơn cho toàn bộ người dân trong khu vực.
Ủng hộ cách tiếp cận của nền kinh tế chủ nhà Chile khi chọn chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chủ đề đã phản ánh được mối quan tâm và kỳ vọng chung của APEC về những vấn đề cấp thiết đối với DNNVV thời điểm hiện nay, khi những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ số cùng với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan hỗ trợ DNNVV trong việc phải tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các DNNVV.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi bên lề Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019. Ngoài ra, để hiện thực hóa các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Vietnam National Innovation Center – NIC). Trung tâm này sẽ góp phần tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong đó có các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, thúc đẩy kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Việt Nam đã nghiên cứu, trao đổi để xây dựng cơ hội hợp tác với các cơ quan, tổ chức tương tự như Enterprise Singapore, SGInnovate, Block 71, Block 79... ở Xinh-ga-po; Seoul Innovation Hub, các Trung tâm Kinh tế sáng tạo và Đổi mới sáng tạo địa phương ở Hàn Quốc; True Digital Park ở Thái Lan; nhiều trung tâm tương tự ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp...
Năm 2017, các Bộ trưởng phụ trách DNNVV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo cho DNNVV thông qua 2 tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng DNNVV về “Sáng kiến Thúc đẩy khởi nghiệp APEC” và “Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo”, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, để tiếp tục triển khai Tuyên bố chung của Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 liên quan tới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cũng như để hưởng ứng sáng kiến tại Hội nghị G20 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, tại Hội nghị này Việt Nam đề xuất sáng kiến thiết lập một Mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo APEC để đem lại những hỗ trợ tốt nhất cho DNNVV đổi mới sáng tạo và các start-up. Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo APEC này đóng vai trò là diễn đàn hợp tác trên cơ sở tự nguyện, nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên để tối đa hoá lợi ích dành cho cộng đồng DNNVV và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hoạt động của mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo APEC sẽ không chỉ bao gồm việc liên kết, trao đổi thông tin giữa các trung tâm, mà còn mở rộng hợp tác và tham vấn về về việc tạo dựng môi trường pháp lý tối ưu, khung khổ thể chế thử nghiệm cho startup và DNNVV đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển, đặc biệt liên quan tới công nghệ CMCN 4.0; khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các start-up; cấp học bổng cho các tài năng và đào tạo các chuyên gia công nghệ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DNNVV đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư…
|
Các Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MPI
|
Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của các Bộ trưởng DNNVV APEC và sự tham gia tích cực của các Trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực APEC và đề nghị Nhóm công tác DNNVV APEC, các ủy ban và tiểu ban APEC phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thúc đẩy kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo vì lợi ích của cộng đồng start-up và DNNVV. Đồng thời, khuyến khích Nhóm công tác DNNVV APEC phối hợp với Ban Thư ký APEC và các diễn đàn liên quan xem xét việc tổ chức Diễn đàn cấp cao về đổi mới sáng tạo APEC trong năm 2020 và xem xét khả năng hình thành tổ công tác chuyên trách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.
Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nền kinh tế APEC khác xây dựng kế hoạch hành động cho Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo của APEC và báo cáo kết quả hoạt động hằng năm tới Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC và hy vọng Mạng lưới này sẽ tăng cường năng lực mạnh mẽ cho cộng đồng start-up và DNNVV, cũng như đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực APEC./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư