(MPI) – Ngày 06/9/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Nguồn nhân lực, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Một số hàm ý chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) Koji Hachiyama, thành viên Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
|
Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho biết, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và tích cực chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, tình hình kinh tế thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc, những biến chuyển này sẽ tạo ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu nếu không có chiến lược, chính sách phù hợp cho giai đoạn tới. Để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình cao trong 10 năm tới đòi hỏi Việt Nam phải có đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức phát triển, kiến tạo các động lực phát triển mới dựa trên nền tảng thể chế hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới và sáng tạo công nghệ.
Hội thảo là dịp để các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề làm sao để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu việc làm trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ, trí thức mới ở Việt Nam; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…đây là những vấn đề Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tạo động lực để Việt Nam phát triển trong thời gian tới, ông Thảo nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực, đầu mối giúp Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai đánh giá, nghiên cứu một cách chặt chẽ và tham mưu, xây dựng Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.
Trên cơ sở Đề cương chi tiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, đưa ra những nhận định về tồn tại hạn chế, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm một cách trung thực, khách quan và phản ánh đúng, trúng tình hình. Căn cứ vào những kết quả đánh giá, kết quả nghiên cứu của 42 nhóm chuyên đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. Bộ đã tổ chức các hội nghị với các địa phương, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc xin ý kiến về dự thảo. Đồng thời, tổ chức tham vấn ý kiến một số tổ chức quốc tế như WB, OECD,... thông qua các buổi tọa đàm về một số chủ đề cụ thể như dự báo bối cảnh quốc tế và tác động đến Việt Nam, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phân vùng, cải cách hành chính, chính sách xã hội, chiến lược phát triển… Trên cơ sở đó, Bộ đã và đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những Văn kiện quan trọng để đưa ra định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới với yêu cầu vừa đảm bảo duy trì được thành quả của hơn 30 năm đổi mới, vừa phải phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phải đưa ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, định hình được hướng đi cho đất nước trong giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn xa hơn tới năm 2045 để vừa phát huy tối ưu những tiềm năng, thế mạnh của đất nước, khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém của giai đoạn trước và vừa nắm bắt được các cơ hội mới và vượt qua các thách thức, hóa giải được các nút thắt phát triển.
Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, là một quá trình đòi hỏi tổng hợp trí tuệ của các tầng lớp trong xã hội và bạn bè quốc tế, tạo được sự đồng thuận, phát huy được sức mạnh và sự đồng lòng của Nhân dân, dễ làm, dễ nhớ và dễ thực hiện. Do vậy, trong quá trình xây dựng đòi hỏi cần phải làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nhận định và đánh giá tình hình, xác định được các tồn tại hạn chế và nguyên nhân bài học kinh nghiệm, các quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, đột phá chiến lược và nhiệm vụ giải pháp.
Về đánh giá tổng quát kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, theo các đánh giá ban đầu, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, như kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên; thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng lên.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều khó khăn, hạn chế, như việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu; năng suất, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng,...
Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, vấn đề đầu tiên để bắt đầu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 là nhận định bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì nhận định rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của nó đến quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới, từ đó nêu ra những xu hướng, cơ hội phát triển mới như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, tăng trưởng xanh sẽ là cơ sở để định hướng đất nước đi cùng với xu thế của thời đại, nắm bắt cơ hội để phát triển trong tình hình mới. Đồng thời với đó là nhận định rõ thế và lực của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới để dự đoán những khó khăn, thách thức và những diễn biến phức tạp có thể gặp phải, từ đó định hướng xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhận định đúng, trúng bối cảnh quốc tế, xu thế phát triển của thế giới và tình hình đất nước là nội dung quan trọng và rất khó khăn, phức tạp và cần có sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia, trong và ngoài nước trong quá trình xây dựng Chiến lược.
Về quan điểm phát triển của Chiến lược, Thứ trưởng cho biết, trong các quan điểm trước đây cho rằng ổn định là cơ sở cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế luôn lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên gần đây có ý kiến cho rằng để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần lấy phát triển nhanh để duy trì ổn định từ đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh của sản xuất và đời sống, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa nắm bắt được các cơ hội này để hỗ trợ cho phát triển như ứng dụng trong sản xuất để tăng năng suất lao động... do đó Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tận dụng tốt mọi cơ hội cho phát triển, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Cùng với việc nắm bắt các cơ hội từ phát triển khoa học, công nghệ, Việt Nam cần thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng vì mọi người, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa các vùng miền, quan tâm chăm lo tới đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để nâng cao hiệu quả, lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại. Những quan điểm phát triển này đang nhận được nhiều sự chú ý, nhất là trong bối cảnh đất nước cần tìm ra hướng đi mới, động lực mới cho phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế có rất nhiều biến động nhưng vẫn phải giữ vững được độc lập, tự chủ của mình và không ngừng tích lũy, nâng cao năng lực nội tại cho nền kinh tế đồng thời tận dụng tối đa những cơ hội từ hội nhập mang lại.
Về các đột phá chiến lược, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra 3 đột phá chiến lược gồm: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhận định bối cảnh thời gian tới với những xu hướng, cơ hội phát triển mới, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục thực hiện các đột phá này trong thời gian tới không, nếu tiếp tục thì làm thế nào để thực hiện hiệu quả, thực sự là đột phá cho phát triển kinh tế, có cần thiết phải bổ sung thêm các đột phá mới trong bối cảnh và tình hình mới không. Trong quá trình đánh giá, có ý kiến cho rằng đột phá về nguồn nhân lực chưa thực sự hiệu quả mà một trong những nguyên nhân là chưa thực sự đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, chưa gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Do vậy cần tiếp tục thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, phải bổ sung đột phá mới là thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc… là một đột phá phát triển trong giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chiến lược 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Vậy trong giai đoạn tới, nếu đặt vấn đề phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… hướng tới trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao thuộc nhóm dẫn đầu (trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình) phù hợp với các đột phá phát triển thì nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ cần phải được xác định tương ứng.
Về vấn đề này có ý kiến đề xuất tập trung vào phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển nền giáo dục - đào tạo làm cơ sở xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải và làm rõ, cụ thể thêm trong quá trình xây dựng Chiến lược.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, song song với quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, có năng lực cạnh tranh cao trên thế giới".
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị các diễn giả, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một cách khách quan, thẳng thắn vào các nội dung liên quan đến nhận diện và dự báo những xu thế thời đại lớn sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới trong phát triển của Việt Nam. Xác định và đánh giá đúng những nút thắt phát triển của Việt Nam trong thời kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn vừa qua. Đưa ra các nguyên nhân cơ bản đã tạo ra những nút thắt phát triển cũng như khuyến nghị những giải pháp, chính sách để giải phóng động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Đồng thời, thảo luận về đột phá phát triển nguồn nhân lực được nêu ra tại Chiến lược 2011 - 2020 có còn là đột phá của giai đoạn 2021 - 2030 không hay cần bổ sung nội hàm gì hay nhấn mạnh nội dung gì cho giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến có nên tách nội hàm phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong đột phá phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 thành một đột phá chiến lược của giai đoạn 2021-2030 hay không. Trước yêu cầu phải đi tắt đón đầu để phát triển nhanh và bền vững thì trong thời gian tới Việt Nam phải tăng cường ứng dụng, tiếp thu công nghệ từ các quốc gia phát triển và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vậy khuyến nghị gì cho xây dựng chính sách trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh Hộithảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Koji Hachiyama đánh giá cao sự phát triển năng động của Việt Nam, trong đó có đóng góp của việc thu hút FDI và điều này cần được tập trung thực hiện trong giai đoạn 10 năm tới. Đồng thời đưa ra các vấn đề liên quan đến việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ số và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một vấn đề khác được ông Koji Hachiyama đề cập đó là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu ở khu vực và cần có những giải pháp để ứng phó với vấn đề này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề nền kinh tế tuần hoàn, số hóa, nền kinh tế số, tăng trưởng xanh… Ông Koji Hachiyama hy vọng những trao đổi, tham luận của ERIA sẽ góp phần tạo thêm ý tưởng mới cho các cơ quan Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo, đại diện của ERIA trình bày các báo cáo về phát triển nhân lực, tiếp thu công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng: mục tiêu, phân tích và khuyến nghị chính sách; Cách thức trong tăng trưởng năng suất của Việt Nam; Một số vấn đề trong lĩnh vực môi trường. Các vấn đề này đã nhận được ý kiến bình luận của một số thành viên Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cũng như ý kiến của đại diện một số bộ, ngành.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung hy vọng những nghiên cứu ERIA và kết quả trao đổi, thảo luận sẽ có những kiến nghị, gợi ý, đóng góp hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đầy đủ cơ sở và có tính khả thi cao hơn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư