(MPI) – Ngày 08/10/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Kinh doanh châu Âu - ASEAN (EU - ABC) dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Chủ tịch Hội đồng EU - ABC Donald P.Kainak.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cảm ơn Hội đồng EU - ABC, cũng như các doanh nghiệp của EU - ABC đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thành ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA vào tháng 6/2019. Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của EU - ABC để Nghị viện các nước châu Âu thông qua các hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng EU - ABC Donald P.Kainak vui mừng được gặp lại Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn, đồng thời cho biết, Đoàn EU - ABC tham dự buổi Tọa đàm gồm 26 công ty và tập đoàn đa quốc gia, các thành viên đại diện cho Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, Thái Lan,… Điều này ánh tinh thần lạc quan và tin tưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp châu Âu với sự tăng cường thúc đẩy thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cũng như cơ hội thúc đẩy đầu tư và thương mại trong thời gian tới.
Ông Donald P.Kainak cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp của EuroCham cho thấy, 94% doanh nghiệp mong muốn EU sẽ ký kết các Hiệp định thương mại tự do ở cấp độ song phương, đa phương và trong dài hạn là mong muốn có hiệp định thương mại tự do giữa hai khối EU và ASEAN. Năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Hội đồng EU - ABC phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện các ưu tiên trong chương trình nghị mà nước chủ nhà đã đưa ra trên cơ sở điều phối với các quốc gia liên quan.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã thông tin về kết quả kinh tế - xã hội của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 và cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam cao nhất trong 9 năm vừa qua. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB đã điều chỉnh về khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2019. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP cao, các chỉ số kinh tế vĩ mô liên quan đến lạm phát, nợ công, tăng trưởng tín dụng,… đều duy trì trong khả năng kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường hoặc doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong thời gian trước đây quay trở lại thị trường rất cao trong 9 tháng đầu năm 2019. Đặc biệt, trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu mới được công bố, Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu so với năm 2018, đây là con số rất ấn tượng. Kết quả đạt được của 9 tháng đầu năm 2019 dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2019 là rất cao.
Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là hai nghị quyết rất quan trọng, định hướng các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài cũng như trong bối cảnh thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam thay đổi thu hút đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đặc biệt ưu đãi cho các trung tâm hoạt động nghiên cứu hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Việt Nam kỳ vọng các tập đoàn đa quốc gia sẽ chọn Việt Nam là điểm đến để thực hiện hợp tác, đầu tư.
Bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn của các doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam mong muốn sẽ có các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, tạo cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển. Sự hợp tác cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam với hơn 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việt Nam đang sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu. Việt Nam tin tưởng trong thời gian tới có sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp cũng như EuroCham có thể đề xuất, kiến nghị để Việt Nam tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng , tạo điệu kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Làm rõ một số vấn đề được Đoàn công tác quan tâm liên quan đến Nghị quyết số 52-NQ/TW, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đầu tiên trực thuộc Bộ. Trung tâm này được giao các nhiệm vụ hỗ trợ, phát triển, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động AI, tạo cơ sở đưa các vườn ươm, ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hợp tác của các doanh nghiệp, đặc của các doanh nghiệp châu Âu trong việc xây dựng, đặt các trụ sở của các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các trung tâm này.
Cũng liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quan tâm, hỗ trợ các sáng kiến trong lĩnh vực này.
Về vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Năm 2018, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên có bản báo cáo đánh giá 02 năm đầu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (SGDs 2030) và đã được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, tại diễn đàn của Liên hợp quốc diễn ra tuần trước, Việt Nam đã cam kết là quốc gia để cộng đồng quốc tế đến đánh giá việc triển khai các cam kết SGDs 2030 trong năm 2019. Cụ thể, trong nước sau khi có cam kết SGDs 2030, Chính phủ đã có kế hoạch hành động cụ thể đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đưa ra các ưu tiên phát triển bền vững và các nội dung của SGDs 2030. Đặc biệt, đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng nhanh, Việt Nam còn đặt mục tiêu phải tăng trưởng bền vững, toàn diện và bao trùm.
|
Chủ tịch Donald P.Kainak phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Donald P.Kainak cảm ơn Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã chia sẻ rất toàn diện và đầy đủ những thông tin rất hữu ích. Đồng thời bày tỏ vui mừng khi các doanh nghiệp của châu Âu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam. Ông Donald P.Kainak nhấn mạnh, doanh nghiệp châu Âu cam kết mở rộng đầu tư để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các sáng kiến trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng,…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh chia sẻ, thời gian qua, EuroCham và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hợp tác chặt chẽ trong quá trình xây dựng, sửa đổi các bộ luật quan trọng như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật PPP. Đồng thời chúc mừng Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong việc xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị cấp cao về vốn đầu tư mạo hiểm, thông qua hoạt động đó Việt Nam đã thu hút hàng trăm triệu USD từ các quỹ, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
|
Phó Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Về doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, EuroCham nhận thấy doanh nghiệp vẫn còn yếu về mô hình kinh doanh, huy động vốn, mở rộng thị trường, cũng như kết nối. Đây là lĩnh vực EuroCham rất mong muốn hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn cũng như tri thức, đổi mới công nghệ để các doanh nghiệp không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới. Vì vậy, EuroCham mong được cùng đồng hành và hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới để xây dựng các chính sách, quy định về đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong giai đoạn đầu. Ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh đến vấn đề ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư khi họ bỏ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và vấn đề thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động khởi nghiệp./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư