(MPI) - Ngày 04/6/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
|
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao (trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt). Kết quả toàn diện này thể hiện sự đúng đắn, phù hợp trong chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành. Cùng với đó là sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Kết quả phát triển KTXH được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng trưởng và năng suất lao động đạt khá, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội; thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực, quốc tế. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người.
Cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng, trong bối cảnh khó khăn chung, các ngành, lĩnh vực vẫn phát triển ổn định, tích cực. Sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt khá. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành có bước thực chất hơn. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong phát triển toàn ngành. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi và suy giảm về cầu và giá nhiều mặt hàng nông, thủy sản trên thị trường thế giới trong khi cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu ngày càng gay gắt, cả năm phấn đấu hết mức để đạt mức tăng trưởng tích cực.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới duy trì ở mức cao, vốn đăng ký tăng mạnh. Ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận thị trường nguồn lực, đất đai, mặt bằng.
Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng đầu tư của khu vực Nhà nước giảm còn 31,7%; khu vực ngoài nhà nước tăng, đạt 45,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 23%.
Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Tiềm lực khoa học, công nghệ được tăng cường. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Tiếp tục triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các hội nghị, diễn đàn và thực hiện nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0, ban hành chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,...
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhất là nâng cao ý thức của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, kinh tế nước ta năm 2019 vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện nhưng đầu tư công gặp khó khăn, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu bền vững. Trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp.
Cơ cấu lại và phát triển các ngành lĩnh vực kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng đều và chưa đạt kỳ vọng. Đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động tăng chưa nhiều. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn hạn chế và còn một số khó khăn, nhất là về định giá đất đai, tài sản và sắp xếp lại nhà đất, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược...
Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập, vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tiêu cực, nhũng nhiễu; thực thi pháp luật chưa nghiêm. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế.
Đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhiều rủi ro; bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng; cạnh tranh ngày càng gay gắt; xung đột địa chính trị ở nhiều nơi còn phức tạp.
Trong nước, nền kinh tế đang phát triển khá ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; nguồn lao động dồi dào, có trình độ và khả năng thích nghi; kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực của năm 2019 và những năm gần đây là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải tập trung xử lý, giải quyết cả trước mắt và trong trung, dài hạn. Độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn. Các vấn đề văn hóa, xã hội đang tạo áp lực lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng, khó dự báo trên nhiều lĩnh vực.
Mục tiêu tổng quát của năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thị trường trong nước và các ngành dịch vụ, du lịch. Phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc. Củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế. Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, công khai, minh bạch; tăng cường xúc tiến thương mại; phát triển mạnh thị trường trong nước.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực chất hơn nữa cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về vùng.
Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường sắt đô thị và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân. Thu hút có chọn lọc và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Tích cực chuẩn bị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học, công nghệ; phát triển nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cốt lõi; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế; có các chính sách và thể chế đột phá cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Kinh tế vĩ mô nước ta ổn định nhưng chưa thật vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trước tác động của kinh tế thế giới có những biến động khó lường. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện nhưng đầu tư công gặp khó khăn, tiến độ thực hiện giải ngân rất chậm và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân do đâu và nó có tác động đến phát triển nền kinh tế của nước ta như thế nào? Đồng thời đề nghị Chính phủ cần tìm ra động lực, trụ cột tăng trưởng kinh tế thời gian qua là gì để đánh giá tính bền vững, tăng sự tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Báo cáo nội dung về tình hình ngập lụt nghiêm trọng đã xảy ra tại một số địa phương để Quốc hội thảo luận, cả đất nước có tiếng nói, chung tay khắc phục, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân...
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã đưa ra tại phiên họp. Đây là những thông tin cơ sở hữu ích để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề các đại biểu nêu tại phiên họp./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư