Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/10/2019-08:24:00 AM
08/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới hoàn thành vượt kế hoạch

(MPI) – Trong những tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là những đánh giá về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại Báo cáo số 7416/BC-BKHĐT ngày 10/10/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 và 7, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Báo cáo, Ban Chỉ đạo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý. Qua thực hiện công tác theo dõi, giám sát của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã kịp thời ghi nhận và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từng nội dung, hoạt động của từng chương trình, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương.

Đồng thời, hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng, Quốc hội vả Chính phủ giao, trong đó 08/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới hoàn thành vượt kế hoạch so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng trên toàn quốc và đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm, hoàn thành tiến độ theo đúng yêu cầu của Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết số 32/2016/QH14.

Về hoạt động thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với nhiều phương thức mới, nội dung đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của từng chương trình, lồng ghép thực hiện tuyên truyền chính sách, định hướng của nhà nước gắn liền với các mô hình mẫu, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn, có sức lan tỏa sâu rộng trong các địa phương trong vùng và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Nhiều đề án, chương trình, chính sách đặc thù đã được phê duyệt, triển khai ngay từ đầu năm đã tạo được hiệu ứng tích cực trong thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới. Chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội.

Chính sách đầu tư vùng nông thôn, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng miền núi trong thời gian qua đã được lồng ghép trong nhiều chính sách tổng thể kinh tế - xã hội như: Các Nghị quyết của Quốc hội số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Để triển khai các chính sách nêu trên, các bộ, ngành đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt các đối tượng huyện, xã, thôn có điều kiện khó khăn để ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cụ thể các Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020...

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành một số quyết định đặc thù như Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản tham mưu Chính phủ về cân đối nguồn lực thực hiện

Về hoàn thiện chính sách đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vùng nông thôn, miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn như: Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư trong đó đã quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với 12 ngành nghề nông nghiệp đặc biệt ưu đãi và ưu đãi đầu tư, xác định danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đầu tư của 54 địa phương trên cả nước và đối tượng hỗ trợ là các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng)...

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nhóm chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào vùng miền núi, khó khăn. Trong đó, về chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi được ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay doanh nghiệp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động. Về chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi được ưu tiên phê duyệt tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại.

Doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước cho người lao động. Các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án ưu đãi đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi được hưởng, mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành của pháp Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi được hưởng mức cao nhất về tín dụng theo quy định hiện hành và được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 trong đó đã quy định lồng ghép các chính sách hỗ trợ./.

Theo Báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng trên 67.880 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn ngân sách trung ương bố trí 23.633,646 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương đạt khoảng 44.166,56 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài huy động đạt 79,854 tỷ đồng (03 triệu Euro) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-Len đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.

Thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc để tạo thêm nguồn lực thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2019 đạt khoảng 1.345.005 tỷ đồng. Nguồn huy động khác đạt khoảng 310.356,5 tỷ đồng.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1114
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)