(MPI) – Đây là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chia sẻ tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt - Pháp do Hiệp hội chủ doanh nghiệp Pháp (MEDEF) và Hội đồng doanh nghiệp Pháp - Việt phối hợp tổ chức ngày 04/11/2019, tại Paris, Pháp.
Tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Pháp - Việt Céline Charpiot-Zapolsky. Tham dự Tọa đàm, về phía Pháp có đại diện các cơ quan hữu quan và hơn 50 tập đoàn, công ty lớn của Pháp, là thành viên của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như Tập đoàn Total, Bouygues Construction, Airbus, Safran, Airliquide, Canal+International,... Về phía Việt Nam có đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và một số doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Becamex Bình Dương,...
Tọa đàm nhằm kết nối giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp trong khuôn khổ các sự kiện của Đối thoại cấp cao về kinh tế Việt Nam - Pháp lần thứ 6. Đồng thời, làm chặt chẽ hơn mối liên kết giữa hai nước trên các phương diện: ngoại giao, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học,...
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chủ trì buổi Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.
Pháp hiện là nơi sinh sống, học tập và lao động của hơn 300 nghìn người Việt Nam, làm cầu nối quan trọng gắn kết quan hệ kinh tế - văn hóa hai nước. Tỷ lệ trí thức người Việt Nam tại Pháp cũng là một trong những điểm sáng trong cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Hiện có trên 40 nghìn người có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, chiếm 12% cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia được nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm tới đầu tư, kinh doanh. Năm 1988, khi Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam có hiệu lực, các doanh nghiệp Pháp đã tiên phong vượt qua các rào cản cấm vận của Hoa Kỳ để trở thành những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Tính đến ngày 20/10/2019, Pháp đứng thứ 16/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 551 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,58 tỷ USD.
Đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: điện, năng lượng có 12 dự án với tổng vốn đầu tư 1,14 tỷ USD (chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư); Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 129 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 999,2 triệu USD (chiếm 28% tổng vốn đầu tư);...
Pháp là một trong ba nước dẫn đầu về dòng vốn châu Âu vào Việt Nam (cùng với Hà Lan và Anh). Qua đó, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Theo chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 14 dự án với tổng vốn đầu tư 5,82 triệu USD.
Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng. Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 1,8 tỷ USD, 10 năm sau đã vượt gấp 3 lần, đạt 5,102 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt 4,01 tỷ USD, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2018, trở thành một trong 5 đối tác thương mại quan trong nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (cùng với Đức, Anh, Hà Lan và Ý).
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thông tin về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên (1986 - 2018) đạt bình quân 6,74%. Trong đó, năm 2018 tăng 7,08%, năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Dân số hơn 96,2 triệu người, trong đó trên 60% lực lượng lao động có độ tuổi dưới 35, được đào tạo tiếp cận kỹ thuật, công nghệ và xu thế mới. Mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột: thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Chỉ số đổi mới sáng tạo được Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) đánh giá tăng 12 bậc.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng khá, đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%. Các chỉ số kinh tế quan trọng đạt và vượt chỉ tiêu. Tháng 7/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trường nhanh nhất khu vực ASEAN năm 2019 và duy trì ổn định ở mức khoảng 7% trong những năm tiếp theo.
“Thị trường Việt Nam là điều mà các bạn quan tâm, đang có những thay đổi căn bản và tăng nhanh về sức mua dựa trên nền tảng thu nhập bình quân đầu người. Quy mô GDP Việt Nam tiệm cận mức 300 tỷ USD. Tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và đang tăng nhanh, tạo nên một thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ hấp dẫn đứng thứ 6 toàn cầu theo đánh giá của A.T.Kearney. Đến năm 2025 sẽ có 49% dân số sống ở các đô thị; tỷ lệ hộ gia đình thu nhập cao tăng lên gần 25%”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ và tin tưởng rằng thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch kinh doanh thành công của doanh nghiệp Pháp.
|
Ảnh: MPI
|
Việt Nam là một trong 10 nước có số người sử dụng internet cao nhất toàn cầu với 61 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, với dân số trẻ, năng động, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới, sáng tạo. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD năm 2025 với các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến,... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ của Pháp đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc hợp tác, liên kết và hỗ trợ tài chính với các đối tác trong nước.
Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách hội nhập quốc tế và đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cũng đã tham gia và được đánh giá là nước tận dụng được nhiều lợi ích nhất trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, toàn diện, là bảo đảm pháp lý quan trọng, giảm thấp rủi ro cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với Pháp, Việt Nam đã ký kết 18 Hiệp định song phương trên mọi lĩnh vực: đầu tư, du lịch, hàng hải, khoa học công nghệ, y tế, tư pháp,... Đối với Liên minh châu Âu, Việt Nam là nước ASEAN thứ hai (sau Xinh-ga-po) và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội cho Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ đi vào thực chất, bền vững và hiệu quả.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2018, Việt Nam Kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đến nay, đã thu hút được gần 360 tỷ USD tổng vốn đăng ký từ 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, dần hình thành sự liên kết với doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đồng thời nêu rõ, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, thể hiện điểm mới là bình đẳng, cùng có lợi, chủ động có định hướng hợp tác và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là “bộ phận hợp thành quan trọng” của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện một cách “chủ động, có chọn lọc”, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Để hiện thực hóa Chiến lược trên, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, phê duyệt các dự thảo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng. Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những dự án đầu tư có tính chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư quốc gia và cải thiện chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán. Đơn giản hóa các thủ tục thuế, hải quan...; Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có chuyên môn, tay nghề cao, giảm dần sự phụ thuộc vào lợi thế “nhân công giá rẻ”; Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao tính kết nối giữa các vùng, miền, địa phương của Việt Nam; Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, từng bước nâng cao tỉ lệ cung ứng nội địa và phát triển chuỗi giá trị trong nước.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các quốc gia đang diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang được tái cấu trúc mạnh mẽ, Việt Nam khuyến khích đầu tư từ Pháp, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị, phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghiệp hàng không, chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp - chế biến thực phẩm, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục vai trò đầu mối, dẫn dắt quá trình cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Pháp đầu tư, kinh doanh thành công, hiệu quả.
|
Ảnh: MPI
|
Tọa đàm diễn ra cởi mở, chủ động, các doanh nghiệp Pháp giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các dự án đầu tư hợp tác thương mại trong tương lai và đề xuất về biện pháp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký kết.
Các nhà đầu tư của Pháp và Việt Nam cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng và quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư