Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/11/2019-15:46:00 PM
Tăng cường, làm sâu sắc và toàn diện hơn mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Bỉ
(MPI) – Ngày 06/11/2019, tại Brúc-xen, Bỉ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Bỉ Bruno Vander Luijm đã đồng chủ trì Kỳ họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Bỉ về hợp tác kinh tế.
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: MPI

Tham dự Kỳ họp, về phía Việt Nam có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Vũ Anh Quang và các cộng sự.

Về phía Vương quốc Bỉ có đại diện của Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển, Tổng vụ Kinh tế dịch vụ, Ban Hỗ trợ tài chính cho xuất khẩu (FINEXPO), Ban Chính sách Thương mại, Cơ quan An toàn Thực phẩm Liên bang, Cơ quan Chính sách Khoa học Liên bang và đại diện các vùng (Flanders, Wallonia và Thủ đô Brúc-xen).

Tại Kỳ họp, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ kể từ sau Kỳ họp lần thứ 4 năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các khuyến nghị được hai bên thực hiện nghiêm túc.

Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, hợp tác với các vùng Flander và Wallonie- Bruxelles của Bỉ.

Trong đó, nổi bật là việc ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp và Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính quyền Vùng Flanders nhân dịp chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 10/2018. Tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp thường trực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên minh Wallonie-Bruxelles, vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Thủ đô Brúc-xen vào tháng 11/2018 với việc thông qua danh mục 25 dự án hợp tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles giai đoạn 2019-2021.

Hiện nay 24/25 dự án đang được triển khai thực hiện. Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua các dự án hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan Việt Nam và đối tác vùng Wallonie-Bruxelles trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, môi trường, văn hóa và du lịch,… Các dự án này đã đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp. Ảnh: MPI

Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung và xung đột thương mại giữa các nước lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc, khoảng cách so với các nước dẫn đầu trong nhóm ASEAN được rút ngắn.

Năm 2019, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8%, tốc độ tăng CPI bình quân được kiểm soát ở mức thấp (2,7-3%). Quy mô kinh tế mở rộng, ước đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).

Theo báo cáo tại Kỳ họp, nền kinh tế Bỉ đã có mức tăng trưởng khá tốt, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Thương mại năm 2018 cũng có chuyển biến tốt, tỷ lệ lao động có việc làm tăng.

Về quan hệ thương mại, Bỉ hiện đứng thứ 6/27 nước thành viên EU có quan hệ thương mại với Việt Nam. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 2,88 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2017. Trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 1,8 tỷ USD (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018) và nhập khẩu từ Bỉ đạt 445 triệu USD (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018).

Trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam với 3 vùng Flanders, Wallonie-Brussels và vùng Thủ đô Brúc-xen, hai bên đánh giá cao sự phát triển và thống nhất cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này hơn nữa.

Về hợp tác thương mại nông sản, năm 2018 kim ngạch nông sản hai chiều đạt xấp xỉ 413 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ những sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ; nhập khẩu từ Bỉ những sản phẩm sữa, thức ăn gia súc và nguyên liệu, thuốc trừ sâu và phân bón các loại. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho thịt bò, quả lê tươi của Bỉ vào Việt Nam. Bỉ cũng đã mở cửa tự do cho mặt hàng rau củ của Việt Nam và thực hiện chế độ hậu kiểm đối với các sản phẩm này.

Tại kỳ họp, hai bên thống nhất thúc đẩy việc tiếp cận thị trường nông sản, thực phẩm của hai nước, thống nhất việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về chất lượng, an toàn nông sản, thú y và bảo vệ thực vật ký kết tháng 10/2018 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam và Cơ quan Anh toàn Thực phẩm Bỉ.

Về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ mong muốn Bỉ với vai trò quan trọng ở châu Âu sẽ ủng hộ và tích cực vận động EU sớm phê chuẩn các Hiệp định này. Đây là các hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đặc biệt là của EU. Hai Hiệp định này sẽ làm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và EU, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Đoàn Bỉ tại Kỳ họp. Ảnh: MPI

Về Thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đánh giá sự tham gia tích cực và có hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Thỏa thuận trong các lĩnh vực như kinh tế tuần hoàn, công nghệ chế biến nông sản, bảo quản nông sản, năng lượng phục vụ chế biến nông sản, nông nghiệp thông minh, quản lý nguồn nước,…

Việt Nam mong muốn Bỉ hỗ trợ hoạch định chính sách, đào tạo, tăng cường năng lực, phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển giữa các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hai nước.

Hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc tạo thuận lợi hóa thương mại, thành lập cơ chế trao đổi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản thông qua kết nối các vùng nguyên liệu với các cảng biển và cơ sở logistic của Bỉ và Việt Nam, triển khai thực hiện chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cà phê, ca cao, chăn nuôi, thủy sản và rau quả.

Về hợp tác đầu tư, hai bên đánh giá còn chưa tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tính đến ngày 30/9/2019, Bỉ có 70 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,03 tỷ USD, đứng thứ 23/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 4 dự án có tổng vốn đầu tư 400,4 triệu USD, chiếm 39% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải có 01 dự án với vốn đầu tư đạt 319,5 triệu USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 24 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 229,4 triệu USD. Còn lại là các dự án thuộc các ngành lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú, sản xuất phân phối điện, khí nước điều hòa, nông lâm nghiệp, thủy sản,...

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Bỉ đến nay mới chỉ có 02 dự án với tổng vốn đầu tư 1,29 triệu USD trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thủy sản.

Việt Nam mong muốn Chính phủ Bỉ, vùng Flanders, Wallonie-Brussels và vùng Thủ đô Brúc-xen thúc đẩy các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Bỉ có tiềm năng, có lợi thế cao với các quốc gia khác.

Về hợp tác phát triển, hai bên đã đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Việt Nam và Cơ quan Phát triển Bỉ (ENABEL) trong việc hoàn thành toàn bộ 12 dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác định hướng Việt Nam - Bỉ giai đoạn 2011-2015 (ICP 2011-2015) theo đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu, kết quả đề ra. Các dự án thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.

Phía Bỉ mong muốn trong thời gian tới quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước sẽ mở ra các kênh và phương thức hợp tác mới như các tổ chức phi chính phủ, hợp tác của các vùng của Bỉ, quan hệ đối tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của hai nước,....

Về việc sử dụng tín dụng ưu đãi (Finexpo) của Chính phủ Bỉ tại Việt Nam, hai bên đánh giá các dự án sử dụng tín dụng ưu đãi của Bỉ tại Việt Nam được triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ Bỉ đã cam kết tài trợ tổng vốn tín dụng ưu đãi cho Việt Nam với trị giá khoảng 200 triệu Euro trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, thiết bị y tế (máy xạ trị), nạo vét luồng.

Đối với các công cụ tài trợ mới của Chính phủ Bỉ nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bỉ và Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh các công cụ tài trợ mới này và sẽ thúc đẩy việc áp dụng tại Việt Nam.

Để tạo cơ sở pháp lý triển khai các dự án Finexpo tại Việt Nam, trong thời gian qua hai bên đã phối hợp xây dựng quy định chung về quản lý và sử dụng vốn vay của Chính phủ Bỉ tại Việt Nam và Thỏa thuận khung cấp Chính phủ, đảm bảo hài hòa quy trình thủ tục của Việt Nam và Bỉ, định hướng cho các cơ quan Việt Nam trong việc xem xét, lựa chọn nguồn vốn phù hợp cho dự án, tính toán kỹ mọi điều kiện và khả năng ngân sách, khả năng vay trả nợ khi sử dụng vốn của Bỉ, tránh đề xuất dự án tràn lan. Hai bên hy vọng Thỏa thuận khung sớm được ký kết.

Về hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sau Kỳ họp lần thứ 4, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Chính sách khoa học Bỉ (BELSPO) đã thống nhất cùng kêu gọi các dự án hợp tác nghiên cứu chung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam đề nghị BELSPO xem xét khả năng tổ chức Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Bỉ lần thứ 6 tại Bỉ và tiếp tục kêu gọi các dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Thứ trưởng Bruno Vander Luijm. Ảnh: MPI

Kỳ họp đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu và kết quả đề ra. Kết thúc Kỳ họp, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường, làm sâu sắc và toàn diện hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Bỉ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo,…/.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4448
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)