Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/11/2019-15:37:00 PM
Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019
(MPI) - Căn cứ chương trình Phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 8150/BC-BKHĐT ngày 01/11/2019 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019.
Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn

Theo Báo cáo, về các chỉ số vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,48%; tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 9,35% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 10,37%); thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, tính đến ngày 30/10, giá trị vốn hóa của thị trường đạt 81,8% GDP, tăng 14,3% so với cuối năm 2018; thu NSNN 10 tháng tích cực, ước đạt 88,8% dự toán, chi NSNN đạt 70,3% dự toán được giao.

Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đăng ký ước đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 68,1% tổng số vốn đăng ký; giải ngân vốn FDI đạt khá, ước 16,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn, ước giải ngân 10 tháng đạt gần 214 nghìn tỷ đồng, bằng 54,69% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, giải ngân vốn nước ngoài đạt 27,09%; vẫn còn khoảng 46,5 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục giải ngân; 15 Bộ, ngành và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó 04 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển. Nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung phát triển ổn định, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tại nhiều địa phương, số lượng lợn bị tiêu hủy trong tháng đã giảm. Sản xuất thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, sản lượng 10 tháng ước tăng 5,4% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo, ước tăng 10,8% (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,5%). Khu vực dịch vụ duy trì đà phát triển, du lịch và vận tải có xu hướng tăng do bắt đầu mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam. Tính chung 10 tháng năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ tăng 8,9%).

Xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%; cán cân thương mại xuất siêu khoảng 7 tỷ USD, đáng chú ý là xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, đạt khoảng 43,5 tỷ USD, tăng 5%, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực nhờ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Tính chung 10 tháng, cả nước có gần 114,5 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp và tăng 28,5% về số vốn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và chờ giải thể, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng đáng kể. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đạt 69,8 điểm, cao hơn năm trước (68,6), nhưng thứ hạng thấp hơn 1 bậc so với năm 2018, đứng thứ 70 trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm khá mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và năm 2020 so với số công bố trước đó, xuống còn 3% và 3,4%. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1,2% năm 2019 và 2,7% năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức dự báo vào tháng 4 năm 2019. Ngày 31/10/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục hạ lãi suất lần thứ ba trong năm 2019 với mức giảm 0,25%, đồng thời phát tín hiệu không cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới trừ khi kinh tế Mỹ diễn biến xấu.

Về trong nước, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và năm 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo Báo cáo, bên cạnh những yếu tố tích cực, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, trong những tháng còn lại của năm 2019, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề, điều hành của Chính phủ, Chỉ thị 09/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm; phát huy nội lực, phát triển bứt phá thị trường trong nước; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ, quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 94/NQ-CP. Ngay trong tháng 11, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019, triển khai nghiên cứu xây dựng Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020, trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành vào đầu năm 2020./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 868
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)