(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ" diễn ra ngày 02/5/2019. Ảnh: MPI |
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng khung khổ lý luận về đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, tập trung vào đối tượng là kinh tế tư nhân, bao gồm: vị trí, vai trò của nhà nước; mức độ can thiệp và các phương thức, cách thức can thiệp của nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân, theo thông lệ phổ biến trên thế giới. Đồng thời, đưa ra đánh giá tổng quan hiện nay về những đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân; đánh giá thực trạng, những tồn tại, hạn chế hiện nay về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Từ đó, đưa ra đề xuất, các kiến nghị về nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Đề án tập trung nghiên cứu về sự đổi mới trong vai trò, chức năng kinh tế của nhà nước, không bao gồm các chức năng chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng; từ đó, làm rõ mức độ can thiệp của nhà nước và các công cụ hoặc phương thức để can thiệp, điều tiết vào phát triển kinh tế.
Về mục tiêu đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, theo dự thảo Đề án, đến năm 2025, phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuyển từ quản lý sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, từ tiền kiểm sang hậu kiểm phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển tương xứng với tiềm năng, có năng lực cạnh tranh cao, hội nhập khu vực và quốc tế; qua đó, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 98/NQ-CP.
Theo đó, các chính sách quản lý nhà nước được ban hành được xây dựng trên nguyên tắc của thị trường, khắc phục được những bất cập trong thực thi chính sách. Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm những điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, bất hợp lý ở các bộ, ngành và địa phương; áp dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tin học (cấp độ 4) trong quản lý nhà nước trước và sau đăng ký kinh doanh để nâng cao chất lượng QLNN, giảm chi phí cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cải thiện về điểm số đạt mức ngang với các nước ASEAN - 4.
Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả và loại hình đa dạng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào công tác xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ công, đối tác công - tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, cổ phần hóa DNNN. Cải thiện tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước và đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi sở hữu trong lĩnh vực này. Các dịch vụ hành chính công ở địa phương được đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng nhà nước kiến tạo, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đổi mới công tác thanh kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng tổ chức khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả hậu kiểm, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp.
Dự thảo đưa ra năm quan điểm chỉ đạo đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Một là, khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên Nhà nước cần phải thường xuyên đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực này. Hai là, Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước thông qua luật pháp, do vậy phải luôn hoàn thiện hệ thống luật pháp và giữ vị trí trung tâm trong đổi mới. Ba là, thay đổi tư duy quản lý nhà nước, theo đó Nhà nước coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Bốn là, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số, do vậy, Nhà nước phải tiếp cận một hệ thống thể chế với tư duy hiện đại, theo kịp tình hình mới. Năm là, nâng cao năng lực bộ máy QLNN trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.
Dự thảo Đề án gồm 3 phần, phần I: Tổng quan và đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế, phần II: Mục tiêu, quan điểm và các giải pháp chủ yếu đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế và phần III: Tổ chức thực hiện. Dự thảo đưa ra các giải pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân gồm: đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong vai trò định hướng và điều tiết phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tạo lập khung khổ pháp luật và môi trường thể chế cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đổi mới phương thức can thiệp và phân bổ nguồn lực của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; đổi mới phương thức thanh kiểm tra và giám sát chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đổi mới phương thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư