(MPI) – Trình bày Tờ trình về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) sáng ngày 15/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật đầu tư (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
|
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình
về dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật đầu tư năm 2014. Trong đó, đối với nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh, nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật đầu tư để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật đầu tư và các Luật có liên quan, bao gồm Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật đầu tư công, Luật xây dựng, dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư”, “đầu tư kinh doanh”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hình thức, nội dung cụ thể của khái niệm này. Bãi bỏ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để bảo đảm thống nhất với quy định tương ứng tại dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bên cạnh đó, một số nội dung về chính sách đầu tư kinh doanh và bảo đảm đầu tư cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan đăng ký đầu tư từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư... trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường. Bổ sung nguyên tắc nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và quy định của pháp luật có liên quan. Thu hẹp dự án thuộc phạm vi bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật quản lý nợ công.
Về nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Đối với nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Hiệp định song phương về đầu tư, dự thảo Luật bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo mô hình, phương thức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới, sáng tạo; sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Đồng thời, giao Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này…
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư cho các địa phương, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về nhóm các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi và đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, bãi bỏ thủ tục đăng ký trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam; phân định rõ điều kiện, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư và Luật chứng khoán.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Ngoài ra, để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật bổ sung quy định yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp đầu tư góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có dự án đầu tư, kinh doanh trong một số địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đầu tư, dự thảo Luật này quy định rõ các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư; bổ sung quy định về sáp nhập, tách dự án đầu tư, thay đổi nhà đầu tư, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư. Bãi bỏ quy định về giãn tiến độ dự án đầu tư để thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và đồng bộ với quy định của Luật đất đai. Bổ sung biện pháp bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (ngoài biện pháp ký quỹ) nhằm mở rộng, đa dạng hóa các hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, thủ tục chấm dứt dự án đầu tư; trình tự, thủ tục thanh lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo hướng thống nhất với quy định có liên quan của Luật đất đai.
Mặt khác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, dự thảo Luật này bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế; làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn để ngăn chặn tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”.
Về nhóm các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, dự thảo Luật đã quy định cụ thể danh mục ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và danh mục ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. Mặt khác, để tránh trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về quản lý ngoại hối, dự thảo Luật bãi bỏ quy định về điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện thống nhất theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối, đồng thời sửa đổi quy định để cho phép nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để góp vốn đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo Luật tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư ra nước ngoài theo hướng bãi bỏ một số thủ tục và nội dung không cần thiết hoặc có thể dẫn đến xung đột về thẩm quyền điều chỉnh với pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư; thu hẹp phạm vi dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác, nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư