(MPI) – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
|
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: MPI |
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật PPP được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày ngày 11/11/2019, Luật PPP được ban hành nhằm tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng, đồng thời, bảo đảm khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, để tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó là bổ sung các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.
Luật được xây dựng theo quan điểm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng. Dự thảo Luật đã được nghiên cứu và hoàn thiện để có thể đạt các mục đích xây dựng luật với giá trị pháp lý cao điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, trên cơ sở kế thừa các quy định đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai.
Đồng thời, bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước.
Dự thảo Luật được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới về mối quan hệ của Luật PPP và một số luật cơ bản có liên quan để bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống pháp luật; Hội đồng thẩm định dự án PPP; trình tự thực hiện dự án PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án; Quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP; cơ chế bảo đảm của Chính phủ;…
Trong đó, về quy mô đầu tư của dự án PPP, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 02 phương án. Phương án 1: quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực (như Dự thảo hiện nay). Phương án 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP, qua quá trình trao đổi, tham vấn, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xin ý kiến rộng rãi 02 phương án. Phương án 1 là hình thành Quỹ phát triển dự án PPP và phương án 2 là hình thành dòng ngân sách riêng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đa số ý kiến đề xuất lựa chọn phương án 2 bởi việc hình thành Quỹ trong bối cảnh hiện nay rất khó khả thi, đồng thời bị hạn chế bởi Luật ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định theo phương án 2 - cơ chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm đồng bộ với Luật đầu tư công.
Về cách thức sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, dự thảo Luật quy định 02 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Thứ nhất là, tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Thứ hai là, giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư