(MPI) – Ngày 19/11/2019, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Đẩy mạnh triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
|
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy
phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy cho biết, Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua theo dõi nhận thấy các Bộ, ngành địa phương rất nỗ lực, tích cực xây dựng các Đề án, Nghị quyết để triển khai Luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong đó có những vướng mắc khách quan từ chính sách chưa phù hợp, cần rà soát, cũng có những yếu tố mang tính chủ quan, nhiều cơ quan còn chưa dành đủ thời gian cũng như nguồn lực ban hành những chính sách rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp. Khoảng 50/63 tỉnh thành phố đã ban hành các Đề án, Chương trình, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố để cấp kinh phí và dành nguồn lực hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên những hỗ trợ sâu hơn thì các địa phương đang rất thiếu nguồn lực và một số địa phương còn rất lúng túng trong hỗ trợ các chuỗi liên kết, xác định xem ngành nào có thế mạnh còn rất chung chung. Về phía Bộ, ngành cũng cần phải hoàn thiện ban hành những chính sách như văn bản, thông tư hướng dẫn. Về đào tạo nguồn nhân lực đã ban hành, các khung hướng dẫn tư vấn hiện nay đã có nhưng mạng lưới tư vấn viên còn hình thành chậm. Hội thảo là dịp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư lắng nghe ý kiến của các đại biểu để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Tại Hội thảo, Đại diện Phòng Tổng hợp chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp đã có bài trình bày khái quát về tình hình triển khai Luật hỗ trợ DNNVV trong gần 02 năm triển khai thực hiện. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2018, tín dụng đối với DNNVV đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2017. Số lượng DNNVV có dư nợ tại các tổ chức tín dụng đạt gần 185 nghìn DNNVV. Từ cuối tháng 7/2019, một số ngân hàng thương mại đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng cho vay ưu đãi với doanh nghiệp.
Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, cả nước có 48.850 ha đất cụm công nghiệp. Bắc Kạn hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho DNNVV, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/DN/năm. Năm 2018, Thanh Hóa đã hỗ trợ gần 45 tỷ đồng tiền thuê đất, hỗ trợ phát triển làng nghề cho 9 doanh nghiệp và 3 làng nghề trên địa bàn tỉnh. Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30% giá thuê lại đất trả tiền hằng năm (tối đa không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp) đối với các DNNVV hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và pháp lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị cũng được triển khai.
Về công tác triển khai Luật ở một số địa phương, trên 50 địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Một số địa phương tiêu biểu như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, … Nhiều địa phương đã rất chủ động trong việc triển khai một số hoạt động hỗ trợ về thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập về phần mềm kế toán (Hà Nội, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, …). Hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn (Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn …).
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai Luật, một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện như chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Ưu đãi đầu tư cho DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn; Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV.
Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn để triển khai có hiệu quả như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ mạnh để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định… Một số bộ chuyên ngành chưa chủ động xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý. Chỉ có một số địa phương bố trí được ngân sách để thực hiện. Khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ quy định theo Luật hỗ trợ DNNVV của các DNNVV còn rất hạn chế … Việc theo dõi đánh giá tình hình phát triển DNNVV đang gặp khó khăn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Để tiếp tục đẩy mạnh việc đưa Luật hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất khẩn trương bổ sung Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ DNNVV 2021 - 2025, đồng thời đề xuất bố trí nguồn vốn chi đầu tư để hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật. Xây dựng Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2019, trong đó có DNNVV. Hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn cho Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV và thực hiện cho vay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật. Bộ Tài chính xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét ban hành năm 2020; Sớm ban hành chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm hỗ trợ DNNVV …
Các Bộ, ngành thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin hỗ trợ DNNVV. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng và bố trí nguồn lực để triển khai các đề án hỗ trợ DNNVV trong những ngành lĩnh vực có lợi thế của địa phương; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình hỗ trợ DNNVV 2012 - 2025 và đề xuất kinh phí trung ương hỗ trợ thực hiện tại địa phương. Tổ chức lập, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trong đó bố trí quỹ đất cụm công nghiệp để chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung phục vụ nhu cầu phát triển CNHT phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân đã có bài trình bày về thực tiễn triển khai Luật hỗ trợ DNNVV tại thành phố Hà Nội. Qua đó, cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Luật như chưa quy định cụ thể về chính sách thuế cho từng đối tượng doanh nghiệp và đối tượng được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ DNNVV số 04; Khó khăn trong triển khai Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Về chính sách hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn trong việc đề xuất về chính sách và triển khai thực hiện. Quy định về chi phí trả cho tư vấn viên quá thấp dẫn đến khó thuê tư vấn viên để thực hiện tư vấn. Việc công nhận mạng lưới tư vấn viên chưa được thực hiện nên chưa có căn cứ để triển khai.
Bên cạnh đó, đại biểu đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong việc triển khai Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhưng đến nay Quỹ tín dụng cho DNNVV Thanh Hóa chưa thực hiện kiện toàn được bộ máy tổ chức nên có nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, cơ chế bảo lãnh còn rườm rà, phức tạp nên các ngân hàng cũng không mặn mà phối hợp với Quỹ. Ngoài ra, theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn lực hỗ trợ DNNVV tại địa phương, song thực tế ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư