Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/11/2019-10:32:00 AM
Quốc hội thảo luận về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
(MPI) - Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/11/2019, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi.vn

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh

Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn trong thời gian thi hành Luật đầu tư đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; đáp ứng yêu cầu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đánh giá toàn diện tình hình thu hút, sử dụng nguồn vốn ĐTNN hơn 30 năm qua, trong đó đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động thu hút nguồn vốn này, như: chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN còn hạn chế; mất cân đối trong thu hút và sử dụng vốn ĐTNN; tính liên kết giữa khu vực ĐTNN với khu vực kinh tế trong nước chưa chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN còn hạn chế; quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án ĐTNN chưa bảo đảm chặt chẽ; công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ĐTNN chưa thực sự phát huy hiệu quả ...

Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án ĐTNN như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đầu tư ''chui", "núp bóng" thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam... Trong bối cảnh đó, Luật đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ cần thiết để bảo đảm, thu hút nhà đầu tư thật sự có năng lực để thực hiện dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và xử lý những bất cập nêu trên.

Luật này cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi, mức độ cam kết cao hơn về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, thương mại cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, trong đó có Luật đầu tư nhằm bảo đảm thực hiện cam kết hội nhập.

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn sửa đổi toàn diện Luật đầu tư nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Một số vấn đề lớn mà các doanh nghiệp kỳ vọng có bước đột phá hơn trong Luật này là: tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thực hiện dự án đầu tư...

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày ngày 15/11/2019, mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật đầu tư (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật đầu tư năm 2014 với các nội dung liên quan đến nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư; thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục triển khai dự án đầu tư; đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực thông lệ tốt của khu vực và quốc tế

Luật doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. So với năm 2014 (trước khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014). Một số nội dung quan trọng của Luật như đăng ký doanh nghiệp, bảo vệ cổ đông thiểu số được ghi nhận đã có thay đổi mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 đã tăng 21 hạng, hiện xếp hạng 104/190 (từ hạng 125/190 năm 2014); tổng thời gian thực hiện thủ tục này giảm từ 34 ngày xuống chỉ còn 17 ngày. Quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (tăng 28 hạng so với năm 2014 và 90 hạng so với năm 2013).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật doanh nghiệp không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung cần được sửa đổi để phù hợp với các luật mới ban hành gần đây. Quan trọng hơn, một số nội dung của Luật cần được hoàn thiện thêm nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ và nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực thông lệ tốt của khu vực và quốc tế.

Theo đó, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp là cần thiết nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta.

Luật sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 08 điều và 1 chương, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư với những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1624
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)