Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/11/2019-17:15:00 PM
Hội nhập sâu rộng, đồng đều và bền vững khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng
(MPI) - Ngày 18/11/2019, tại Thủ đô Phnôm Pênh, nước chủ nhà Cam-pu-chia phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 23 dưới sự chủ trì của ngài Sok Chanda Sophea, Bộ trưởng đặc phái viên Thủ tướng, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia kiêm Bộ trưởng phụ trách Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng, với chủ đề “Hội nhập sâu rộng, đồng đều và bền vững khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị GMS 23 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 23 được tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7 diễn ra trong năm 2021 do Cam-pu-chia làm chủ nhà. Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận và xem xét lại các văn kiện khung chiến lược mới dài hạn của khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng để cấp lãnh đạo bàn thảo và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7. Các Bộ trưởng cũng thảo luận về mục đích và nội dung một chương trình nghiên cứu sâu rộng nhằm hưởng ứng việc thực hiện chiến lược mới trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Hội nghị cũng xem xét những tiến bộ đã đạt được kể từ sau Hội nghị Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần trước, trong đó bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: Vận tải, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại và công tác điều phối lĩnh vực vận tải, môi trường và y tế.

Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tiểu vùng Mê Công đã nhận được nhiều lợi ích qua việc củng cố cơ sở hạ tầng vận tải, việc mở rộng phạm vi, an ninh năng lượng, nâng cao sự phát triển bền vững và đồng đều. Trong gần 3 thập kỷ qua, Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã thu được nhiều thành tựu, trong đó có việc xây dựng và tu bổ 11 nghìn km đường, 500km đường sắt, 3 nghìn km hệ thống đường dây điện và nâng cao năng lực sản xuất năng lượng khoảng 1,570 GWh, cung cấp cho hơn 200 nghìn gia đình. Đồng thời, Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng cũng cung cấp viện trợ kỹ thuật để nâng cao việc kết nối phần cứng và mềm thông qua điều phối thương mại và vận tải qua biên giới, việc điều chỉnh hệ thống y tế và kiểm dịch, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường, phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Về phương hướng tiếp theo, các quốc gia thành viên Chương trình hợp tác khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã và đang thảo luận để giải quyết những vấn đề đối mặt, tận dụng cơ hội trong hoàn cảnh mới của khu vực và thế giới để phát triển thành công các dự án. Những nỗ lực này cũng bao gồm việc áp dụng công nghệ hiện đại, chú trọng việc kết nối phần mềm để bảo đảm sẵn sàng cho thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các Bộ trưởng khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã cập nhật khuôn khổ đầu tư trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng năm 2022, trong đó có 255 dự án với số vốn 92 tỷ USD. Đồng thời, thông qua báo cáo tiến độ và cập nhật lần thứ 2 khuôn khổ đầu tư khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là Chiến lược hợp tác y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng giai đoạn 2019-2023 đã chính thức được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 23. Chiến lược 5 năm này sẽ đề ra cơ sở hướng dẫn cho hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề y tế đe dọa khu vực.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: nhandan.com.vn

Hội nghị cũng có sự tham dự của 20 cơ quan đối tác. Những tổ chức này bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Hội đồng Kinh doanh của khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng cũng tham dự và ra tuyên bố chung diễn giải về sáng kiến của khu vực tư nhân thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Vũ Đại Thắng đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các nước thành viên GMS cũng như vai trò quan trọng của các đối tác phát triển, đặc biệt là ADB với tư cách là Ban Thư ký Chương trình GMS đã cung cấp nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ tri thức để hỗ trợ các nước GMS đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng mong muốn ADB và cộng đồng các đối tác phát triển tiếp tục hợp tác chặt chẽ, huy động các nguồn lực cần thiết để triển khai thành công Khung Đầu tư tiểu vùng 2022 (RIF) với 255 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 92 tỷ USD, trong đó cần khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào các chương trình Dự án khu vực GMS, góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực GMS thịnh vượng, toàn diện và bền vững trong tương lai./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2802
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)