1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
- Trồng trọt
Hiện nay, người dân đang tiến hành triển khai gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ đông xuân 2019 - 2020. Ước đến thời điểm ngày 15/01/2020 tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2019 - 2020 tỉnh Kon Tum là 8.297 ha, giảm 3,40% (-292 ha) so với cùng kỳ vụ đông xuân 2018 - 2019. Cụ thể DTGT một số loại cây trồng so với cùng kỳ vụ đông xuân 2018 – 2019 như sau:
Cây lúa: 5.931 ha, giảm 0,55% (-33 ha), diện tích cây lúa đã gieo sạ phát triển tốt, hiện tượng sâu bệnh không xảy ra.
Cây ngô: 362 ha, giảm 6,94% (-27 ha). Diện tích cây ngô giảm nhiều do nhu cầu sử dụng cây ngô làm lương thực ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế không cao, nên một số diện tích trước đây trồng ngô đã chuyển sang trồng các cây khác.
Cây mía: 955 ha, giảm 23,42% (-292 ha). Nguyên nhân diện tích mía giảm là do những năm gần đây giá mía giảm, trong khi đó giá các chi phí đầu vào ban đầu như phân bón, giống, công lao động... tăng cao nên hiệu quả kinh tế đối với cây mía thấp. Một số hộ đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cây lạc: 22 ha, tăng 4,76% (+1 ha).
Rau các loại: 845 ha, tăng 2,42% (+20 ha).
Đậu các loại: 49 ha, tăng 4,26% (+2 ha).
Các loại cây khác: 133 ha, tăng 38,54% (+37 ha), diện tích tăng chủ yếu là do người dân trồng hoa để phục vụ Tết Nguyên đán.
- Chăn nuôi:
Trong tháng, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên 148 con lợn (28 lợn nái, 93 lợn thịt, 27 lợn con)/tổng trọng lượng 4.391kg/32 hộ (31 hộ mới)/10 thôn, tổ (5 thôn mới)/8 xã, phường (4 xã mới)/06 huyện, thành phố. So với cùng kỳ tháng trước, dịch bệnh có chiều hướng suy giảm, tuy nhiên mức độ giảm còn chậm, dịch bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ, rải rác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa như Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Các dịch bệnh khác: Dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.
b) Lâm nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang là mùa khô, các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng trong thời gian mùa khô 2019 - 2020; phân công trực phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tính đến 15/01/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Ước tính đến thời điểm 31/01/2020, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.
Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/01/2020, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 7.570 m3, tăng 1,07% (+80 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 21.270 ste, tăng 0,33% (+70 ste) so với cùng kỳ năm trước.
c) Thủy sản
Tính đến 15/01/2020, ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản là 695 ha, tăng 1,76% (+12 ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản là 345 tấn, tăng 7,81% (+25 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chia ra:
Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 210 tấn, tăng 9,38% (+18 tấn).
Sản lượng khai thác nước ngọt là 135 tấn, tăng 5,47% (+7 tấn).
Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.
2. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2020 ước tính tăng 9,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,30%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao so với cùng kỳ là do cuối tháng 01 là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý nên nhu cầu hàng hóa tăng cao, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng, mặt khác Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã đi vào sản xuất ổn định cũng làm cho chỉ số ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng.
So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2019 ước tính giảm 1,70%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 44,57%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,58%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,99%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,80%. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm so với tháng trước là do Tây Nguyên đang vào giữa mùa khô nên lượng nước trên các hồ thủy điện đã giảm, các đơn vị sản xuất điện đã chủ động điều tiết giảm công suất của các nhà máy để ổn định lượng điện sản xuất.
Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 01 năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 35.700 m3, giảm 1,76%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 39.700 tấn, tăng 14,82%; Đường RE 6.500 tấn, tăng 30,00%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 4,6 triệu viên, tăng 3,60%; điện sản xuất 99 triệu Kwh, tăng 0,30%.
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong tháng 01 năm 2020 hoạt động sản xuất tương đối ổn định, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định, có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động ổn định, sản phẩm tinh bột sắn sản xuất đã tăng so cùng kỳ. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.
3. Vốn đầu tư
- Ước tính Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 01 năm 2020 là 96.491 triệu đồng, tăng 5,00% so với cùng kỳ. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra:
Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 63.763 triệu đồng, tăng 6,07% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 66,08% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Chia ra: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 45.621 triệu đồng chiếm 71,55%; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 10.234 triệu đồng, chiếm 16,05%; nguồn vốn xổ số kiến thiết là 6.874 triệu đồng, chiếm 10,78%; nguồn vốn khác là 1.034 triệu đồng, chiếm 1,62% trong tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.
Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện là 32.728 triệu đồng, tăng 2,97% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 33,92% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh, chia ra: vốn cân đối ngân sách huyện là 12.364 triệu đồng, chiếm 37,78%; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 20.364 triệu đồng, chiếm 62,22% trong tổng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 01 năm 2020 đạt 1.752.860 triệu đồng, tăng 1,92% so với tháng trước và tăng 11,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp ước đạt 1.447.317 triệu đồng, chiếm 82,57% trong tổng mức, tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 11,97% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 194.608 triệu đồng, chiếm 11,10% trong tổng mức, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 8,89% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ ước đạt 110.935 triệu đồng, chiếm 6,33% trong tổng mức, tăng 11,0% so với tháng trước và tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2020 ước tính tăng so tháng trước chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình...
b) Vận tải
- Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 01 năm 2020 đạt 164.011,2 triệu đồng, tăng 3,35% so với tháng trước, cụ thể như sau:
Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 61.857,5 triệu đồng, tăng 5,24%; Vận chuyển ước đạt 1.115,98 nghìn lượt khách, tăng 0,48%; Luân chuyển ước đạt 143.273,67 nghìn lượt khách.km, tăng 0,33%.
Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 101.463,7 triệu đồng, tăng 2,24%; Vận chuyển ước đạt 1.143,09 nghìn tấn, tăng 0,34%; Luân chuyển ước đạt 58.035,45 nghìn tấn.km, tăng 0,28%.
Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 690,0 triệu đồng, tăng 2,22%.
- Doanh thu và khối lượng vận chuyển hành khách ước tính trong tháng tăng so với tháng trước là do trong tháng có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Ngày 19/12/2019, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có Công văn số 1579/SGTVT-QLVT,PT&NL về việc phụ thu giá vé bù chiều rỗng vận chuyển hành khách bằng ô tô trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Canh Tý năm 2020. Các doanh nghiệp vận tải đã thực hiện đăng ký phụ thu giá vé vận chuyển hành khách phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 để bù chiều không có khách hoặc ít khách, giá vé tăng từ 30% đến 60% bắt đầu từ ngày 11/01/2020 đến hết ngày 09/02/2019 (có quy định chi tiết theo từng mức tăng, thời gian tăng theo từng tuyến đường vận tải), đồng thời các đơn vị vận tải hành khách đã có kế hoạch tăng cường đầu xe và tăng chuyến nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân đảm bảo không để khách tồn lại ở bến xe trong ngày.
Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong tháng tăng so với tháng trước là do hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán tăng và vận tải phục vụ ngành xây dựng tăng.
c) Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2020 tăng 1,86% so với tháng trước; tăng 1,86% so với tháng 12 năm trước; tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong tháng 01 năm 2020 chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nhóm ngành hàng tăng so với tháng trước là do trong tháng có Tết Nguyên đán Canh tý năm 2020 nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tiêu dùng Tết tăng do tác động quy luật giá cả thị trường Tết. Tuy nhiên, với việc điều hành một số chính sách kịp thời của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý giá thị trường, điều hòa cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường Tết; bên cạnh đó ở địa phương Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 3327/UBND-HTKT ngày 13/12/2019 về việc Kế hoạch Chương trình Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, tại địa bàn thành phố Kon Tum triển khai 03 điểm bán hàng bình ổn giá Tết (trong đó chú trọng bình ổn mặt hàng thịt lợn tươi sống) nên giá các mặt hàng trong tháng không có sự biến động giá lớn.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 09 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,03%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 1,49%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,35%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,4%; nhóm Giao thông tăng 0,9%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,77%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,26%. Có 01 nhóm giảm là nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,5%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm Giáo dục.
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 01/2020 được bán với giá bình quân khoảng 4.085.000 đồng/chỉ, tăng 3,71% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.019 đồng/USD giảm 0,03%.
5. Một số tình hình xã hội
a) Y tế tháng 12/2019
- Tình hình dịch bệnh
Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 67 ca mắc mới, trong đó tử vong 01, giảm 118 ca so với tháng trước và tăng 37 ca so với tháng 12/2018; trong đó ghi nhận 29 ổ dịch mới. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 1.725 ca (trong đó tử vong 02), tăng 1.239 ca so với năm 2018.
Tay - Chân - Miệng: Trong tháng, ghi nhận 06 ca mắc mới, giảm 15 ca so với tháng trước và 26 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 127 ca, không có tử vong, giảm 86 ca so với năm 2018.
Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 39 ca mắc mới, tăng 34 ca so với tháng trước và tăng 15 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 443 ca, không có tử vong, tăng 53 ca so với năm 2018.
Sởi: Trong tháng, ghi nhận 01 ca mắc mới, giảm 10 ca so với tháng trước và tăng 01 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 75 ca, không có tử vong, tăng 75 ca so với năm 2018.
Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc mới, tăng 04 ca so với tháng trước và giảm 27 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 328 ca, không có tử vong, giảm 36 ca so với năm 2018.
Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 06 ca mắc mới, giảm 04 ca so với tháng trước và giảm 22 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 89 ca, không có sốt rét ác tính, không có tử vong, giảm 158 ca so với năm 2018.
Lao: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 14 bệnh nhân, trong đó lao phổi AFB (+) 08.
Bạch hầu: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới, tăng 01 ca so với tháng trước và tăng 02 ca so với tháng 12/2018. Lũy tích đến 31/12/2019, ghi nhận 08 ca, không có tử vong, tăng 01 ca so với năm 2018.
Không ghi nhận mắc mới các bệnh: Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona, Cúm A (H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản, viêm gan vi rút A, dại, ho gà, phong.
- Phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng, ghi nhận 01 ca nhiễm HIV mới. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 31/12/2019: 492 người, trong đó số người tử vong do AIDS 188, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 304 người (đang quản lý được 145 người). Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV 114 người; điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (INH) 04 người.
- An toàn vệ sinh thực phẩm
Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành Kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm.
b) Tình hình giáo dục
Sáng 16/01/2020, tại thành phố Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh thuộc các trường Trung học trên địa bàn tỉnh năm 2019 – 2020. Đây là cuộc thi được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm với mục đích phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; khuyến khích học sinh sáng tạo kỹ thuật, công nghệ; vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, góp phần đổi mới hình thức dạy và học… Cuộc thi năm nay có 85 dự án của 134 học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các dự án thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi, hệ thống nhúng, robot và máy thông minh, phần mềm hệ thống, hóa học, y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật môi trường, khoa học kỹ thuật vật liệu sinh học, vi sinh, năng lượng vật lý và kỹ thuật cơ khí. Các thí sinh tham dự Cuộc thi phải trải qua 2 phần thi: Kết quả nghiên cứu được thực hiện trong vòng 1 năm (tính đến ngày 30/11/2019) và trình bày dự án, trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo.
c) Hoạt động văn hóa, thể thao
Chiều 22/12/2019, tại Sân vận động tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ bế mạc giải bóng đá truyền thống tỉnh lần thứ VI năm 2019. Dự Lễ bế mạc có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện các huyện, thành phố và 160 vận động viên của 8 đội bóng. Giải được tổ chức từ ngày 14/12/2019, với thể thức chia làm hai bảng thi đấu vòng tròn tính điểm, chọn hai đội nhất, nhì bảng vào bán kết và chung kết.
Ngày 11/01/2020, Ủy ban Hội LHTN huyện Sa Thầy phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn, liên ngành giữa các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện tổ chức Chương trình “Vì biên cương tổ quốc”, “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện” năm 2020 với sự tham gia của hơn 200 Đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân tại Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Tối 18/01/2020, UBND thành phố Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ hoa xuân Tết Canh Tý năm 2020. Tại Lễ khai mạc, diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc, biểu diễn lân sư rồng, cuốn hút hàng ngàn người tham dự.
Chiều 18/01/2020, bà con nhân dân thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhà rông văn hóa của thôn.
d) An ninh trật tự - An toàn giao thông tháng 12/2019
Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 38 vụ, trong đó: Giết người 01 vụ, cố ý gây thương tích 08 vụ, vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ 08 vụ, trộm cắp tài sản 07 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 02 vụ, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế trái phép 02 vụ, gây rối trật tự công cộng 02 vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác 02 vụ, cướp tài sản 01 vụ, cướp giật tài sản 01 vụ, đánh bạc 01 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 01 vụ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ. Hậu quả chết 03 người, bị thương 12 người, thiệt hại: Mất 02 ĐTDĐ, 01 mô tô, 1.173.000.000 đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá khoảng 30 triệu đồng; hư hỏng 05 ô tô.
Tội phạm về ma túy: phát hiện 07 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 05 vụ, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm 01 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 3,5684 gr ma túy tổng hợp, 0,1572 gr heroin, 1,3863 gr ma túy khác và 8.070.000 đồng tiền mặt.
Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 14 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 09 vụ, cất giấu lâm sản trái phép 03 vụ, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 01 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự 01 vụ.
Tai nạn giao thông: xảy ra 05 vụ (giảm 10 vụ so với tháng trước). Hậu quả: chết 04 người, bị thương 03 người, hư hỏng 02 ô tô, 07 mô tô.
e) Tình hình cháy, nổ
Trong tháng 12/2019: Xảy ra 03 vụ cháy, trong đó cháy bãi chứa sản phẩm nông nghiệp 01 vụ, cháy ki ốt tạp hóa 01 vụ, cháy cửa hàng 01 vụ, thiệt hại ước tính khoảng 115 triệu đồng./.
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum