(MPI) - Ngày 28/4/2020, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố Sách trắng doanh nghiệp và Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020. Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chủ trì họp báo.
|
Chủ tọa họp báo. Ảnh: MPI |
Lần đầu tiên công bố Sách trắng hợp tác xã
Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng. Phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển kinh tế HTX nói riêng đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống như: Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020. HTX, liên hiệp HTX cũng đã và đang từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, Sách trắng HTX Việt Nam năm 2020 lần đầu tiên được công bố với những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển HTX cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 5 phần: Phần I: Bối cảnh phát triển HTX năm 2018; Phần II: Tổng quan phát triển HTX Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Phần III: Đề xuất giải pháp phát triển HTX; Phần IV: Bộ chỉ tiêu phát triển HTX năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước (phụ lục); Phần V: Bộ chỉ tiêu phát triển HTX năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương (phụ lục). Sách trắng đề cập đến hai nội dung chính về môi trường kinh doanh và tổng quan phát triển HTX Việt Nam năm 2018.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế HTX cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các địa phương đã xây dựng, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, cấp huyện đều có các Chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai; các sở, ngành, UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh đã đề ra chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức về quan điểm phát triển KTTT và kinh tế HTX.
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 7 năm thực hiện Luật HTX, mặc dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực trong nước có nhiều bất ổn, nhưng khu vực HTX vẫn phát triển ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, đặc biệt là HTX nông nghiệp.
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2018 trên phạm vi cả nước có 22.861 HTX, tăng 8,8% so với thời điểm ngày 31/12/2017. Theo địa phương, có 29/63 địa phương có tốc độ tăng số HTX hiện có tại thời điểm ngày 31/12/2018 so với thời điểm ngày 31/12/2017 cao hơn mức bình quân chung của cả nước (8,8%), trong đó có 10 địa phương có tốc độ tăng trên 25% gồm: Bến Tre tăng 58,1%; Gia Lai tăng 45,0%; Quảng Nam tăng 40,0%; Đà Nẵng tăng 30,8%; Sơn La tăng 29,7%; Lạng Sơn tăng 27,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 26,6%; Bình Dương tăng 26,4%; Bắc Kạn tăng 26,0%; Lâm Đồng tăng 25,5%. Tỉnh Ninh Bình có tốc độ tăng bằng bình quân chung của cả nước.
Có 33/63 địa phương có tốc độ tăng số HTX hiện có tại thời điểm ngày 31/12/2018 so với thời điểm ngày 31/12/2017 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (8,8%), trong đó có 5 địa phương có tốc độ giảm gồm: Thái Bình giảm 9,6%; Cao Bằng giảm 3,0%; Hải Phòng giảm 2,6%; Điện Biên giảm 2,0%; Quảng Ninh giảm 1,9%.
Tổng số HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do ngành Thống kê điều tra, cập nhật tại thời điểm ngày 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 13.958 HTX, tăng 5,5% so với thời điểm ngày 31/12/2017.
Theo quy mô lao động, tại thời điểm ngày 31/12/2018 có 8.605 HTX có dưới 10 lao động, chiếm 61,6% tổng số HTX, tăng 11,5% so với thời điểm ngày 31/12/2017; có 4.984 HTX có từ 10-49 lao động, chiếm 35,7%, giảm 2,4%; có 229 HTX có từ 50-99 lao động, chiếm 1,6%, giảm 10,9%; có 140 HTX có từ 100 lao động trở lên, chiếm 1,0%, giảm 4,8%.
Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm ngày 31/12/2018 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh nhiều nhất với 7.033 HTX, chiếm 50,4% số lượng của toàn bộ khu vực HTX, tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm 2017; khu vực dịch vụ có 4.344 HTX, chiếm 31,1%, tăng 7,6% (trong đó: ngành bán buôn và bán lẻ xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số lượng HTX nhiều nhất với 1.540 HTX, chiếm 11,0% tổng số HTX, tăng 9,6%); khu vực công nghiệp và xây dựng có 2.581 HTX, chiếm 18,5%, tăng 2,9%.
Sách trắng HTX cũng đưa ra các số liệu, đánh giá về lao động của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; Thành viên HTX; Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; Doanh thu của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; Lợi nhuận trước thuế của HTX; Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu HTX; tình hình HTX thành lập mới. Đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển HTX liên quan đến cơ chế, chính sách; vốn, thị trường, lao động; đổi mới cơ chế hoạt động.
Bức tranh tổng thể về doanh nghiệp Việt Nam
|
Ông Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại họp báo. Ảnh: MPI |
Đối với Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là lần thứ hai được biên soạn, cung cấp bức tranh tổng thể về doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.
Đồng thời cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018 (theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm ngày 31/12/2019, có 508.770 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước, tăng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 doanh nghiệp, chiếm 31,6%, tăng 5,1%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.
Theo địa phương, có 27/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm ngày 31/12/2019 so với thời điểm ngày 31/12/2018 cao hơn bình quân cả nước (6,1%). Có 36/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm ngày 31/12/2019 so với thời điểm ngày 31/12/2018 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 8/63 địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm ngày 31/12/2019 giảm so với cùng thời điểm năm 2018.
Về tình hình doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và doanh nghiệp giải thể, theo kết quả công bố, năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018.
Năm 2019, cả nước có 39.421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với năm 2018. Năm 2019, cả nước có 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 41,7% so với năm 2018, trong đó có 17.708 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 14.496 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 11.507 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Cũng trong năm 2019, cả nước có 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0% so với năm 2018. Qua kiểm tra của cơ quan thuế, cả nước có 46.841 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, không tìm thấy, không liên lạc được, tăng 43,4% so với năm 2018.
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 cũng đưa ra các nhóm giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước; đối với các địa phương; đối với doanh nghiệp; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.
Làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy cho rằng, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể, HTX, bảo đảm thực hiện hiệu quả nội dung quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên; xây dựng, tổng kết và nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đối với lĩnh vực doanh nghiệp, cần triển khai thực hiện kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường…
Tại họp báo, đại diện một số đơn vị của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ một số vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến nội dung về doanh nghiệp và HTX./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư