(MPI) - Báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra ngày 05/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, phù hợp với căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, tăng cường hơn nữa hiệu quả, tính công khai, minh bạch của công tác phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
|
Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020. Ảnh: MPI |
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN; kế thừa các ưu điểm kết hợp với khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; quy hoạch cấp quốc gia, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành quốc gia.
Đồng thời, thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; tập trung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối vùng miền, dự án có tính động lực, lan tỏa. Bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa địa phương, giữa các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác. Tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, bảo đảm tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN với tầm nhìn dài hạn. Tiếp cận phương pháp tiên tiến của quốc tế.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Trong đó, thống nhất phân loại 13 ngành lĩnh vực theo quy định của Luật NSNN, kết hợp với lồng ghép các lĩnh vực, chương trình quy định trước đây cùng các quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm quá trình đầu tư được liên tục, tránh lúng túng trong xử lý tình huống chuyển tiếp trong triển khai thực hiện.
Dự thảo quy định 10 nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN bám sát quy định của Luật đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó, quy định nội dung về số vốn chưa phân bổ để tránh khoảng trống pháp lý đối với việc phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư ngay từ thời điểm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị đầu tư được kỹ lưỡng, hiệu quả; không bị lúng túng phải tìm nguồn khi có nhiệm vụ mới phát sinh hoặc có các dự án đầu tư công khẩn cấp.
Đối với việc phân bổ vốn ngân sách trung ương (phần vốn trong nước), dự thảo Nghị quyết quy định dành tối đa không quá 30% tổng số vốn ngân sách trung ương (NSTW) để bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật NSNN. Số vốn còn lại (70%) được phân bổ cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của NSTW như đầu tư của các Bộ, cơ quan trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của cả nước và của các cấp, các ngành, nhiệm vụ quy hoạch của quốc gia, vùng lãnh thổ theo quy định của pháp luật về quy hoạch, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSTW theo quy định của pháp luật.
Việc phân bổ NSTW cho từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo nguyên tắc phân bổ đủ số chỉ tiêu cơ sở cho các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; thu hồi vốn ứng trước của các dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền quyết định hoãn thu hồi trong giai đoạn 2016-2020. Phân bổ số chi tiêu mới trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của các Bộ, cơ quan trung ương. Riêng đối với các địa phương, việc phân bổ số chi tiêu mới dựa trên 05 tiêu chí, định mức tính điểm gồm: dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính cấp huyện và các tiêu chí bổ sung (như số xã ATK thuộc vùng căn cứ kháng chiến, số xã biên giới đất liền, tiêu chí vùng).
Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc bố trí đủ vốn theo dự án, đúng cam kết với các nhà tài trợ, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và dành nguồn để xử lý kịp thời các dự án phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đối với vốn cân đối NSĐP, dự thảo Nghị quyết quy định lấy phương án phân bổ năm 2021 của Kế hoạch tài chính NSNN 03 năm giai đoạn 2020-2022 làm căn cứ xác định tỷ lệ điều tiết về NSTW và số bổ sung từ NSTW cho các địa phương giai đoạn 2021-2025, theo đó, vốn NSĐP các năm sau được tính dựa trên tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư công nguồn NSĐP đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư